Có thể phân luồng giao thông tự động bằng hộp đen

(ANTĐ) - Là một trong số ít doanh nghiệp (DN) đã sản xuất và ứng dụng thành công hộp đen tại Việt Nam, ông Nghiêm Trần Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Phi Long đã trao đổi xung quanh việc sử dụng thiết bị này.

Có thể phân luồng giao thông tự động bằng hộp đen

(ANTĐ) - Là một trong số ít doanh nghiệp (DN) đã sản xuất và ứng dụng thành công hộp đen tại Việt Nam, ông Nghiêm Trần Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Phi Long đã trao đổi xung quanh việc sử dụng thiết bị này.

- PV: Xin ông cho biết các ứng dụng của hộp đen hiện nay?

- Ông Nghiêm Trần Hưng: Tại Việt Nam, hiện đã có máy dẫn đường là dạng thiết bị sơ khai đầu tiên của hộp đen. Trái tim của công nghệ này là bản đồ số, tích hợp dữ liệu về giao thông của tất cả các tỉnh thành, trong đó, có cả đường 1 chiều, hệ thống các cây xăng, nơi mua sắm, khách sạn, bệnh viện... Chủ yếu, các DN vận tải dùng để giám sát lái xe. Các công ty cho thuê xe tự lái có thể nắm bắt được khách có sử dụng xe đúng lộ trình như đã ký trong hợp đồng không. Các công ty taxi có thể kiểm tra nhật ký hành trình xe như xe đang vận hành ở tốc độ bao nhiêu hay đang dừng xe, hiện ở địa điểm nào, có đi đúng luồng không, bao nhiêu lần vượt tốc độ cho phép? Các hãng vận tải có thể biết xe của mình có chở quá tải hay không. Đối với các công ty xăng dầu, họ có thể nắm được việc xe chở xăng dầu có dừng lại, rút “ruột” xăng dầu không.

Chủ DN vận tải, taxi có thể ngồi một chỗ mà vẫn giám sát được hoạt động của các xe
Chủ DN vận tải, taxi có thể ngồi một chỗ mà vẫn giám sát được hoạt động của các xe

- PV: Trong lĩnh vực quản lý giao thông đường bộ, hộp đen có tác dụng thế nào?

- Ông Nghiêm Trần Hưng: Cho đến nay, nhiều người vẫn hiểu, hộp đen chỉ có chức năng ghi lại nhật ký hành trình của xe nhằm giám sát việc chấp hành của lái xe. Tuy nhiên, trên thực tế, ứng dụng của hộp đen đa dạng hơn nhiều. Thông qua thiết bị hộp đen lắp trên các phương tiện giao thông, cơ quan chức năng như các phòng cảnh sát giao thông có thể đưa ra cảnh báo phân luồng ngay khi có hiện tượng ùn tắc xảy ra. Giải pháp phân luồng tự động như vậy sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí tiền bạc, nhân lực... Nếu chúng ta hiện đại hóa công tác điều hành giao thông đô thị như vậy chắc chắn sẽ giúp giảm được tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay.

- PV: Tại Việt Nam, còn những rào cản gì để ứng dụng thiết bị này, thưa ông?

- Ông Nghiêm Trần Hưng: Đầu tiên là hành lang pháp lý về giao thông đường bộ của ta còn yếu. Mấu chốt vấn đề ở đây là chúng ta phải đưa việc gắn hộp đen trên phương tiện ôtô là một tiêu chuẩn bắt buộc, kế đến là cơ chế phối hợp của cơ quan chức năng như các phòng cảnh sát giao thông... Tiêu chuẩn và cơ chế phối hợp đó đều đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, nhận thức của người dân còn chưa cao. Bản thân tâm lý của các lái xe là không thích bị giám sát. Thay đổi được nhận thức cũng là một vấn đề lớn. Hiện nay, mới chỉ có một số ít các đơn vị doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải, taxi quan tâm đầu tư vì liên quan đến tài sản của họ. Còn phía cơ quan Nhà nước, dường như chưa được quan tâm đúng mức.    

       Băng Dương (Thực hiện)