Cơ sở pháp lý việc xử phạt việc ra đường không vì mục đích thiết yếu, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng

ANTD.VN - Luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội) đánh giá, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng, trong đó có việc người dân ra đường không đúng các trường hợp được quy định là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay là cần thiết và hoàn toàn có cơ sở căn cứ pháp lý.

Vừa qua Hà Nội và một số địa phương đã xử phạt hành vi không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm cao, thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu: thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị 05 yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Biện pháp “cách ly” lúc này sẽ có tác dụng rất lớn, có tính chất quyết định đến việc ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp, dù có rất nhiều khuyến cáo và chỉ thị nhưng vẫn chủ quan, không ý thức và tập trung đông người, như trường hợp tập thể dục ở ngoài công viên đã được báo chí phản ánh. Điều này vô cùng nguy hiểm và ảnh hưởng đến hoạt động thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID 19 như hiện nay.

Vì vậy việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng, trong đó có việc ra đường không đúng các trường hợp được quy định là cần thiết, với mục đích để răn đe, đảm bảo rằng mọi người đều phải có ý thức trong việc phòng chống dịch Covid-19 nhất là trong thời điểm quan trọng như hiện nay.

Luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội) cho rằng, ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là có căn cứ, và cần thiết phải xử phạt để pháp luật được thực thi nghiêm minh.

Cụ thể, theo Luật sư, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 16 (ngày 31/1) về cách ly xã hội; Văn phòng Chính phủ (ngày 3/4) ra văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (ngày 30/3). Đây là những văn bản có giá trị pháp lý, tương đương quy định của pháp luật, cần phải được thực hiện nghiêm.

Theo Luật sư Phạm Hồng Hải - Công ty Luật TNHH Danh Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP có quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch hoặc là người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế”.

Hành vi “ra đường không đúng mục đích thiết yếu” khi cả nước đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết sẽ được hiểu là “hành vi không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch” (tương tự việc xử phạt không đeo khẩu trang khi ra đường mà các địa phương đã thực hiện vừa qua). Số tiền phạt tương ứng từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng và căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc cảnh cáo hoặc phạt tiền với số tiền từ 100.000 đồng cho đến 300.000 đồng sẽ thuộc về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường, xã.

Luật sư Phạm Hồng Hải nêu thêm trường hợp khác: Theo quy định tại khoản 9, điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền: “Chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ từ chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP có thể ban hành văn bản quy định một số giờ cấm người dân ra đường trừ trường hợp thực sự cần thiết như sau 22h… Từ đó để tạo cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo trình tự, thủ tục của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.