- Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Hà Nội cần một Viện nghiên cứu kinh tế xã hội xứng tầm
- Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xóa lợi ích nhóm trong công tác cán bộ
- Hà Nội: Kiểm tra, xác minh tài sản của 10 cán bộ bị tố cáo kê khai không trung thực
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP báo cáo với đoàn công tác của Thành ủy
Chiều nay, 21-8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn – Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (CTCP).
Sau khi cổ phần hóa và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 6-2018 đến nay, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP hiện có vốn điều lệ là 2.200 tỷ đồng, không có vốn nhà nước. Dù vậy, Đảng bộ Tổng công ty vẫn được Thành ủy Hà Nội xem xét, giữ nguyên mô hình là Đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Thành ủy.
Nhờ sự phối hợp giữa Đảng ủy với HĐQT và Ban điều hành Tổng Công ty trong việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chung, năm 2018 – năm đầu tiên chuyển sang mô hình công ty cổ phần, nội bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh được phát triển mở rộng, tất cả chỉ tiêu kinh tế đều có sự tăng trưởng so với 2017, việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo.
Với đà phát triển đó, năm 2019, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP đặt chỉ tiêu đạt tổng doanh thu 3.675 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 115,2 triệu USD lợi nhuận trước thuế đạt 59,34 tỷ đồng (bằng 273% thực hiện năm 2018), thu nhập bình quân người lao động đạt 11,2 triệu đồng/ người/ tháng…
“Lúc mới bắt đầu cổ phần hóa, có một giai đoạn ngắn tổng công ty rơi vào khủng hoảng, hoạt động kinh doanh sụt giảm, từ đội ngũ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên đều có tâm lý lo lắng, hoang mang. Đảng ủy, ban lãnh đạo công ty đã tập trung làm công tác ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và tuyên truyền, vận động, phổ biến để cán bộ nhân viên ổn định về tư tưởng… Nhờ đó, Tổng công ty đã dần bước ổn định và phát triển hơn” – ông Vũ Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy – Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn chủ trì buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) trước đây là 1 trong 5 tổng công ty lớn của thành phố, ngay từ khi thành lập đã được thành phố rất quan tâm. Đến nay, Hapro đã có thương hiệu lớn trên thị trường.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá cao kết quả triển khai cổ phần hóa cũng như tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh mà Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP đã đạt được sau hơn 1 năm thực hiện cổ phần. Dù vậy, đồng chí cũng lưu ý, những kết quả này mới chỉ là bước đầu nên Tổng công ty cần tiếp tục chú ý để đổi mới cho phù hợp, đặc biệt phải duy trì được định hướng phát triển.
Nhắc lại việc ngay trong đề án cổ phần hóa Hapro đã nêu rõ, sau cổ phần hóa phải tiếp tục khẳng định được thương hiệu và tham gia tích cực vào những nhiệm vụ chính trị của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị: “Sau khi cổ phần hóa, dù không còn vốn của nhà nước, nhưng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP vẫn phải quan tâm tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, nhất là các chương trình lớn như bình ổn giá, hay Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…”.
Ngoài ra, đồng chí Đào Đức Toàn cũng lưu ý Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP rà soát lại công tác Đảng trong doanh nghiệp, đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Ban Thường vụ Đảng ủy trong mô hình hoạt động mới; sớm hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc công ty; đồng thời duy trì lề lối sinh hoạt đảng để kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên.
Trước mắt, phải chuẩn bị tốt cho đại hội đảng nhiệm kỳ 2020-2025.