Có nên phân cấp cho Hiệp hội giải quyết thủ tục hành chính?

ANTD.VN - Ngày 25-9, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương”. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Bộ Công Thương tổ chức sự kiện này.

Có nên phân cấp cho Hiệp hội giải quyết thủ tục hành chính? ảnh 1Cùng với việc cắt giảm thủ tục hành chính phải kiểm soát được thủ tục mới phát sinh

Nêu thắc mắc về thủ tục hành chính, ông Đinh Việt Thanh - Trưởng ban Pháp chế Tổng Công ty May 10 cho hay: “Trong tay tôi đang có nội dung thủ tục do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp giấy phép. Liệu việc này có đúng chuẩn mực không, vì VCCI không phải cơ quan quản lý Nhà nước?”.

Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay, có một số thủ tục hành chính (trước đây Bộ Công Thương quản lý) do VCCI đứng ra triển khai. Ví dụ như thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). “Đây là việc phân cấp, ủy quyền, còn việc quản lý Nhà nước vẫn thuộc Bộ Công Thương. VCCI chỉ cấp C/O trong các trường hợp không được hưởng ưu đãi. Theo quy định, C/O được cấp để xác nhận xuất xứ hàng hóa nên để doanh nghiệp làm. Nếu đưa về cơ quan Nhà nước thì quá nhiều thủ tục. Và để doanh nghiệp làm thì cần có một nơi đại diện, đó chính là VCCI” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải thích. 

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, VCCI mong muốn được làm nhiệm vụ này và đã cam kết sẽ đảm bảo thủ tục thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Với trách nhiêm quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương sẵn sàng tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc VCCI làm có tốt không. Việc phân cấp, ủy quyền này đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo ông Đinh Việt Thanh, VCCI làm khá tốt việc cấp chứng nhận C/O cho hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, “Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền ủy quyền cho các cơ quan khác một số thủ tục hành chính, vậy Bộ trưởng có thể xem xét mở rộng thêm, ủy quyền cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam được không, vì chúng tôi cùng ngành, hiểu ngành, sẽ thực hiện các thủ tục nhanh hơn?” - đại diện Tổng Công ty May 10 đặt vấn đề. Vị đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Công Thương không nên “ôm” quá nhiều thủ tục mà bên cạnh việc phân cấp, cần thực hiện xã hội hóa công tác này. 

Góp ý với hệ thống thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Thành - đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho rằng: “Hiện nay, quá nhiều nơi “1 cửa” thì không còn là “1 cửa” nữa. Ví dụ, vẫn có văn bản quy định báo cáo Bộ Công Thương, đồng thời báo cáo Sở Công Thương, thành ra “2 cửa”, rất phiền hà cho doanh nghiệp”. Đại diện Viettel cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần tiến hành song song việc cắt giảm thủ tục hành chính với việc kiểm soát thủ tục mới phát sinh thì cải cách mới hiệu quả. 

Bộ Công Thương và ngành Công Thương ở các địa phương hiện đang kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công, tương đương 452 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng số thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ này đã thực hiện đơn giản hóa được 56/452 thủ tục.