Có nên "kìm cương"?

ANTĐ - Các nhà phân tích cảnh báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD 0,25% sẽ gây nhiều khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Sức ép lên tỷ giá sẽ lớn hơn sau quyết định của FED, trở thành “bài toán” khó  với Ngân hàng Nhà nước.

Diễn biến thị trường những ngày gần đây cho thấy, có hiện tượng găm giữ USD. Tâm lý thị trường đang bị tác động mạnh sau động thái tăng lãi suất của FED. Việc FED tăng lãi suất không phải bất ngờ và đã được dự báo từ nhiều tháng trước. Xét về cung cầu, nguồn cung USD vẫn dồi dào, nhưng giới đầu cơ tranh thủ “té nước theo mưa”.

Ngoài ra, còn có yếu tố khách quan là vào mùa làm ăn cuối năm, nhu cầu mua USD để thanh toán, trả nợ tăng cao. Theo giới chuyên gia, khi FED tăng lãi suất, các thị trường mới nổi, nhất là các nước đang gánh những món nợ lớn bằng USD hoặc nhập siêu sẽ chịu nhiều tác động. Đặc biệt, giá trị đồng nội tệ của các quốc gia này có thể bị sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cam kết giữ ổn định tỷ giá đến đầu năm 2016.

Từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tuần nữa, theo phân tích của một số ngân hàng thương mại, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, để ổn định tỷ giá, ngân hàng sẽ phải bán ra một lượng kha khá ngoại tệ dự trữ. Hiện tại, dự trữ theo công bố còn khoảng 30 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước sẽ đủ sức duy trì tỷ giá, song vấn đề là sẽ duy trì đến bao giờ và phải tung ra bao nhiêu dự trữ ngoại hối để làm việc đó? Tỷ giá VND/USD tăng mạnh không chỉ tại các ngân hàng thương mại mà cả tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Đã xuất hiện nỗi lo áp lực đang đè lên tỷ giá và xu hướng điều chỉnh là khó tránh khỏi. Hiện cả thị trường đều ngóng trông động thái của Ngân hàng Nhà nước. Rủi ro về tỷ giá đang tác động đến thị trường, chưa kể đồng Nhân dân tệ đang yếu đi, một lần nữa xuống sát đáy và đang có nguy cơ “phá” đáy. Vì thế, rủi ro và sức ép đối với VND sẽ càng nặng thêm.

Dù Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng khẳng định việc điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ hồi tháng 8-2015 là đã tính đến khả năng FED tăng lãi suất; đồng thời cho rằng, đủ dư địa để duy trì tỷ giá ổn định tới những tháng đầu năm 2016. Có ý kiến nói rằng, lời hứa của Ngân hàng Nhà nước phải được giữ. Thế nhưng, cũng không nên “neo cứng” VND hoặc điều hành thị trường tiền tệ theo mệnh lệnh hành chính. Cố “kìm cương” tỷ giá chưa phải là cách làm tối ưu, nên chăng, cần có giải pháp điều chỉnh “mềm mại, uyển chuyển” ở khúc “cua ngoặt” này, tránh những nguy hiểm, rủi ro cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, công ty.