Có nên gộp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh?

ANTD.VN - Vấn đề có nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh hay không nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, chiều 2-11. 

Điểm đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch lần này là đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước; hai là quy hoạch xây dựng tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. 

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) ủng hộ phương án tách biệt hai loại quy hoạch, vì nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hoá những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh lo ngại nếu tích hợp hai loại quy hoạch sẽ xuất hiện "loại giấy phép con cực to", cản trở dòng chảy quy hoạch của địa phương

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) lại cho rằng nếu dự thảo vẫn có thêm quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh sẽ phải lập hai bộ quy hoạch cấp tỉnh. Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, gửi hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia để thẩm định. Nếu đạt yêu cầu, hồi đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Hai là, lập quy hoạch xây dựng tỉnh bằng cách sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt thì UBND các tỉnh chỉ cần ”coppy” quy hoạch tỉnh và lược bỏ một số nội dung, đổi tên thành quy hoạch tỉnh để tự thẩm định lại, phê duyệt sau khi có thống nhất của Bộ Xây dựng.

“Như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt sau khi có phương án thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại “giấy phép con cực to”, làm cản trở dòng chảy quá trình hoạt động quy hoạch ở địa phương, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Sinh nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có hay không nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh 

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) nêu thực trạng hiện nay có nhiều dự án dù được đưa vào quy hoạch nhưng chủ đầu tư không đáp ứng năng lực chuyên môn, khả năng hỗ trợ tài chính dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. 

Nếu chỉ căn cứ vào quy định hiện hành của Luật Quy hoạch, Luật xây dựng có thể mất thời gian nhiều năm để rút các dự án trên khỏi quy hoạch. Từ phân tích trên ông Thịnh đề nghị

dự án luật nên có cơ chế rút gọn nhưng không được tuỳ tiện, để đảm bảo quy hoạch kịp thời nếu nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Khánh Hoà cũng đề nghị cần quy định chi tiết hơn về các hình thức công bố quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Về quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, đại biểu Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang) đề nghị cân nhắc theo hướng giao Chính phủ lập phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt. 

“Quốc hội chỉ quyết định quy hoạch, không quyết định kế hoạch sử dụng đất quốc gia để Chính phủ chủ động trong việc đặt ra kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được Quốc hội quyết định”, ông Vinh nói. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Quy hoạch là luật rất khó, phải qua 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua được. Vì vậy, khi sửa các luật để phù hợp với Luật Quy hoạch là thách thức rất lớn với ban soạn thảo. Khi rà soát, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, chưa nói đến việc thống nhất các quy định cần sửa đổi giữa các cơ quan khác như.

Về tinh thần xây dựng luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần lấy quy định của Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải đảm bảo thực hiện theo Luật Quy hoạch, các luật chuyên ngành không quy định lại, quy định trái với nội dung đã được quy định trong Luật Quy hoạch. 

Về tranh luận có hay không nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh hay không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sau một thời gian làm việc với Bộ Xây dựng thì thấy quy hoạch tỉnh mà chúng ta đã có mang tính tổng quát về phân bố về mặt không gian, khu chức năng, phát triển kinh tế chung. Còn quy hoạch xây dựng tỉnh mang tính chi tiết hơn, là một quy hoạch chuyên ngành để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh.

“Tuy nhiên qua thảo luận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều lý lẽ xác đáng, nên ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc xin ý kiến thêm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo lịch làm việc, ngày 9-11 tới, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, trước khi biểu quyết thông qua vào phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, ngày 21-11-2018.