Có nên bổ sung thêm tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự?

ANTD.VN - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết hiện đang có 2 loại ý kiến quanh việc có hay không nên bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra, chiều 19-11

Chiều 19-11, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, phạm vi sửa đổi không nên mở rộng sang nội dung về thẩm quyền, nhiệm vụ và thủ tục tố tụng, mà cần giới hạn trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành. 

Về tổ chức giám định tư pháp công lập, dự luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh. 

Về vấn đề này, bà Nga cho biết hiện Uỷ ban Tư pháp có hai loại ý kiến. Một là tán thành như dự thảo luật và cho rằng việc bổ sung quy định trên sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. 

Đặc biệt từ ngày 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hiện chỉ có đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.

“Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2-3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án”, bà Nga cho hay.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật, hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung luật lần này. 

Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập.

Ví dụ như chưa có quy định về thời hạn giám định trong trường hợp cần thiết trưng cầu giám định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài; Trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định chưa được quy định cụ thể; Thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thông tin, phối hợp với các cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp trung ương để đánh giá nhu cầu, bảo đảm hiệu quả quản lý công tác giám định tư pháp…

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung luật lần này tập trung  vào bổ sung quy định trưng cầu giám định trong trường hợp có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau; Bổ sung quy định về thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; bổ sung quy định về tiếp nhận thực hiện giám định…