“Cò” môi giới nhà trọ - “phiên bản” mới

(ANTĐ) - Thứ 7, được một ngày xả hơi, chẳng có việc gì làm nên tôi cùng cô em họ mới lên Hà Nội nhập học rong ruổi đi tìm nhà trọ. Cứ tưởng cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó để không dễ mắc lừa đám “cò mồi”, nào ngờ… “Cò” ngày trước dắt khách đi thăm nhà mệt lử rồi khách sẽ tự bỏ cuộc, “cò” bây giờ đưa khách về chính nhà mình giới thiệu và nhẹ nhàng thu phí…

Cảnh giác trong mùa sinh viên nhập trường:

“Cò” môi giới nhà trọ - “phiên bản” mới

(ANTĐ) - Thứ 7, được một ngày xả hơi, chẳng có việc gì làm nên tôi cùng cô em họ mới lên Hà Nội nhập học rong ruổi đi tìm nhà trọ. Cứ tưởng cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó để không dễ mắc lừa đám “cò mồi”, nào ngờ… “Cò” ngày trước dắt khách đi thăm nhà mệt lử rồi khách sẽ tự bỏ cuộc, “cò” bây giờ đưa khách về chính nhà mình giới thiệu và nhẹ nhàng thu phí…

Quảng cáo cho thuê nhà trọ ở khắp nơi
Quảng cáo cho thuê nhà trọ ở khắp nơi

Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa!

Lang thang một buổi chiều khắp mọi ngõ hẻm ở khu Phương Mai, Bạch Mai, Trường Chinh,… mà vẫn chưa tìm được nhà trọ nào ưng ý, chúng tôi gần như không còn đủ kiên nhẫn. Phần vì tìm được nhà thì giá lại quá cao, chỗ rẻ thì điều kiện đi lại, sinh hoạt không thuận tiện.

Đã vậy, “cò nhà” nhiều như… ma trận khiến chúng tôi chóng cả mặt. Ghé vào một quán nước chè trong một con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai, định bụng giải tỏa cơn khát rồi tính tiếp nhưng vừa tính hỏi bà chủ quán vài câu thì hóa ra bà chủ này cũng là... “cò” chuyên nghiệp.

Mùa nhập học của tân sinh viên (SV) cũng là mùa ăn nên làm ra của các “cò” vì vậy không ít người chuyển sang công việc dẫn khách tìm nhà trọ. Nhiều trung tâm môi giới (TTMG) nhà đất chỉ có vẻn vẹn một chiếc bàn con đặt trong góc cửa hàng kinh doanh tạp hóa, vậy mà một ngày cũng có đến mấy chục lượt khách đều là những tân SV ghé thăm.

“Bắt mạch” được nhu cầu tìm thuê nhà của SV, nhiều “cò” đưa ra những chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để cảnh giác với những chiêu lừa của các “cò nhà”. Dù đó là những chiêu thức cũ rích song vẫn có những SV trở thành nạn nhân, ngoan ngoãn nộp các khoản tiền “ngây thơ phí”.

Linh Nga (SV ĐH Bách khoa), nạn nhân của một TTMG nhà đất trên đường Cầu Giấy kể lại: “Biết là khó tin tưởng vào các TTMG nhà đất nhưng nhiều khi cứ tặc lưỡi đi xem thử. Em đã đi xem 3 nhà rồi nhưng đều không thành công. Nhà thì chủ đi vắng chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào, nhà thì ở ngay sát cạnh mương toàn muỗi và mùi xú uế, nhà thì giá quá cao, ở một mình không kham nổi,... Nản quá nên em bỏ cuộc, đành mất 50.000 đồng gọi là tiền “ngu phí”!”.

Văn phòng nhà đất nhiều như nấm sau mưa
Văn phòng nhà đất nhiều như nấm sau mưa

“Tìm bạn chung phòng” - chiêu mới

“Đã vậy, hiện nay các “cò nhà” còn linh hoạt và biến tướng với nhiều “phiên bản” kiểu mới. Cùng một số điện thoại nhưng lại rao rất nhiều tin trên một số tờ báo rao vặt với chiêu thức lấy tên nhiều chủ nhà khác nhau.

Nhưng rốt cuộc khi gọi điện đều được giới thiệu đến duy nhất một địa chỉ là TTMG nhà đất. Nhiều bạn SV bị mắc lừa kiểu này nên viết lên blog’s cho các bạn khác cảnh giác và đưa ra cách nhận biết đâu là nhà chính chủ thực sự có nhu cầu cho thuê, đâu là TTMG” - bạn Hoàng Thu Hồng (SV trường Đại học GTVT) chia sẻ với chúng tôi.

Tuy vậy, Hồng cũng thừa nhận, hiện nay có nhiều bạn SV tìm nhà thuê bằng cách search (tìm kiếm) trên internet và không ít người đã là nạn nhân của các “cò nhà” kiểu mới. “Cò nhà” bây giờ cũng tham gia vào các diễn đàn, cũng là thành viên mẫn cán.

Song thay vì rao tin có nhà cho thuê thì “cò” kiểu này hay đăng tin: “Cần thuê nhà khu vực gần trường ĐH Thủy lợi,…”, cần “tìm bạn chung phòng”,… Những tin kiểu như vậy “câu khách” khá hiệu quả. Chỉ cần vài thành viên khác cùng vào than thở: “Tớ cũng tìm nhà gần trường ĐH Thủy lợi gần cả tháng nay rồi”, thế là “cá đã cắn câu”, đủ cho các cò nhà “làm ăn”. Vậy là kẻ muốn cho thuê lại đóng vai kẻ đi thuê.

Nhu cầu thuê nhà càng lớn, việc tìm được nhà càng khó thì càng có đất cho các trung tâm ma hoạt động. Có cung ắt có cầu, thế là TTMG nhà đất xung quanh các trường ĐH mọc lên ngày càng nhiều. Đâu đâu cũng thấy, cạnh quán internet, quán nước vỉa hè,… biển “môi giới nhà đất” nhiều như nấm sau mưa.

Cẩn thận với các TTMG

Một ngày đi tìm nhà trọ cùng cô em họ đã khiến tôi mở mắt ra nhiều điều và nếu không đi chắc nằm mơ tôi cũng không thể hình dung ra những kiểu kinh doanh chỉ tốn chút nước bọt như vậy. “Cò nhà” bây giờ còn tìm cách kết nối với các nhà quanh khu vực trường ĐH, những nơi SV có nhu cầu thuê nhà.

Các chủ nhà nhận được một khoản phí bồi dưỡng từ trung tâm và chỉ cần làm mỗi một việc là mở cửa cho khách xem nhà. Nghĩa là họ chẳng hề có nhu cầu cho thuê nhà. Đây chẳng qua là chiêu thức của các TTMG “phù phép” để thu phí của SV đi thuê nhà vội vàng và cả tin.

Phần lớn những người đi xem nhà sau đó đều nhận được những thông tin mới khác với thông tin quảng cáo ban đầu. Và kết quả là bỏ cuộc và đành chịu chấp nhận mất phí. Thu Huyền (SV ĐH Thương mại) chia sẻ: “Sau khi đi lòng vòng mấy nhà, “anh cò” dẫn em đến một ngôi nhà khá ổn. Anh ta mở cửa và khoa tay giới thiệu rất chuyên nghiệp.

Anh ta còn nói, chủ nhà là chỗ quen biết đang có ý định chuyển đi. Bỗng chẳng hiểu từ đâu ra, một cậu bé khoảng 4 tuổi chạy ào tới, ôm lấy anh ta và hét to: “Bố ơi…!”. “Anh cò” bị lộ tẩy chẳng biết nói gì hơn là im lặng. Còn em thì hiểu ra mình đang bị ăn “quả lừa”…”.

Hiện nay, có gần 80% SV ngoại tỉnh của 50 trường ĐH, CĐ, THCN sinh sống, học tập ở Hà Nội đã tạo một sức ép lớn về chỗ ở, nhà trọ. Để giảm bớt gánh nặng cho các bạn tân SV mỗi kỳ nhập học mới, Đoàn thanh niên, Hội SV các trường ĐH, CĐ, thậm chí các cơ quan chức năng của thành phố nên có chính sách cụ thể giúp đỡ cũng như hỗ trợ các bạn ổn định nơi ăn, chốn ở. Đây chính là cách chia sẻ khó khăn với các tân SV trước mỗi mùa nhập trường.

Ngọc Bảo