Có Kiến trúc sư trưởng, “thôi” Sở Quy hoạch - Kiến trúc?

(ANTĐ) - Ngày 24-12, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị. Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đưa ra thông tin, có thể sẽ phải giải tán Sở Quy hoạch-Kiến trúc (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) trong thời gian tới nếu áp dụng mô hình Kiến trúc sư trưởng đô thị.

Phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Có Kiến trúc sư trưởng, “thôi” Sở Quy hoạch - Kiến trúc?

(ANTĐ) - Ngày 24-12, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị. Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đưa ra thông tin, có thể sẽ phải giải tán Sở Quy hoạch-Kiến trúc (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) trong thời gian tới nếu áp dụng mô hình Kiến trúc sư trưởng đô thị.

>>>Chưa bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

Chức năng quản lý quy hoạch - kiến trúc sẽ chuyển về Sở Xây dựng?
Chức năng quản lý quy hoạch - kiến trúc sẽ chuyển về Sở Xây dựng?

“Giải tán Sở QH-KT trong nay mai”?

Theo ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội, liên quan tới việc áp dụng mô hình Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng (KTST), nhiều ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa 2 chủ thể này và Sở QH-KT.

Sau khi cân nhắc ý kiến các bên, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đề nghị giữ Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tại cấp tỉnh và chức danh KTST tại một số thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ sẽ quy định nhiệm vụ cụ thể của 2 chủ thể này. Tuy nhiên, khi có Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và KTST thì Chính phủ cần nghiên cứu có nên giữ Sở QH-KT ở một số thành phố như hiện nay (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - PV) không để tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Thảo luận về vấn đề này, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề về xã hội nêu vấn đề: “Chức năng của KTST có nhập nhằng gì với Sở QH-KT không? Theo tôi, nếu KTST đã làm công tác tư vấn, tham mưu thì không nên “dính” vào quản lý Nhà nước để tránh dẫm chân lên nhau...”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước lại cho rằng, bỏ Sở QH-KT không ổn vì Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch không thể làm công tác quản lý Nhà nước. “Phải nghiên cứu thêm theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để hạn chế sự chồng lấn. Thêm nữa, trường hợp Sở QH-KT, KTST và Hội đồng có ý kiến trái chiều thì lãnh đạo biết nghe ai?”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thông tin: “Trên thực tế, Sở Xây dựng mới là cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý quy hoạch - kiến trúc.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là trường hợp đặc biệt, có Sở QH-KT là “hệ quả” của việc thí điểm mô hình KTST từ năm 1992. Tới năm 2001, sau 10 năm thí điểm mới phát hiện lẫn lộn nhiều vấn đề do giao chức năng nhiệm vụ không rõ, làm việc kém hiệu quả nên Văn phòng KTST mới chuyển thành Sở QH-KT”.

Về “số phận” của Sở QH-KT của 2 thành phố lớn, ông Nguyễn Hồng Quân trình bày: “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương và nhận được sự đồng tình về quan điểm Sở QH-KT sẽ giải tán nay mai. Khi đó, quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc sẽ trả về Sở Xây dựng!”.

Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con

Cũng trong chiều 24-12, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Dự án Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy, việc quy định thiếu chặt chẽ tại Điều 10 “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con” dẫn đến việc người dân hiểu là Nhà nước không còn hạn chế quy mô gia đình ở mức 1 hoặc 2 con, để mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được tự do quyết định số con của mình.

Giải trình lý do phải sửa Điều 10, ông Nguyễn Bá Thủy nói: “Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự thiếu chặt chẽ của Điều 10, năm 2007 không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao (chỉ đạt 0,25%o so với chỉ tiêu 0,3%o).

Trong 6 tháng đầu năm 2008, số trẻ sinh ra là 551.969 cháu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2007, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 61.657 cháu, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số tỉnh có số sinh con thứ 3 trở lên tăng, từ 16 tỉnh năm 2007 lên 34 tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2008. Vì vậy, khả năng năm 2008 cũng chỉ giảm sinh là 0,1%o và không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao là 0,3%o”.

Trước tình hình này, Chính phủ đề nghị sửa Điều 10 thành “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, sinh 1 hoặc 2 con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập...”. 

Góp ý vào dự thảo, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, khi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 2003 ra đời, địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

 “Khi phổ biến Pháp lệnh này, các địa phương ngỡ ngàng và ai cũng nhận định rằng tỷ lệ dân số sẽ gia tăng nhanh. Những cố gắng trước đó bị phá vỡ, không chỉ phá vỡ nhận thức trong nhân dân mà còn trong nhận thức cán bộ, đảng viên. Có đảng viên sinh con thứ ba bị kỷ luật còn quay lại kiện người ra quyết định kỷ luật. Nếu không kiên quyết sửa thì chúng ta còn phải đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng dân số cần phải giải quyết”.

Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành: “Quy định mềm dẻo gì thì cũng phải nói rõ chính sách của Nhà nước là mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con. Phải kiên quyết giảm dân số, chứ đói nghèo thì không ai giải quyết thay chúng ta được”.

Chính Trung