Cơ hội lịch sử nâng tầm vị thế Việt Nam

ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể coi là cơ hội lịch sử, mang đến nhiều lợi ích khác nhau cho Việt Nam. Lợi ích tổng thể là hình ảnh Việt Nam nâng lên trong con mắt bạn bè quốc tế - một đất nước thân thiện, hòa bình và mong muốn gây dựng, tạo ra các cơ hội cho hòa bình. Nhân sự kiện lịch sử này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam.

Cơ hội lịch sử nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 1Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam

  Hiệu ứng lan tỏa nhanh, mạnh, hiệu quả

- PV: Nhiều người nhận định rằng cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều Triên tại Hà Nội là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đồng thời là một cú huých mạnh dành cho du lịch. Quan điểm của ông về sự kiện này?

- Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính: Theo tôi, trong suốt thời gian trước, sau và cao điểm nhất là 2 ngày tổ chức gặp thượng đỉnh thì sẽ có hàng tỷ người trên thế giới theo dõi từ chính khách, doanh nhân, rồi những người mong mỏi hòa bình lâu dài, không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà đây còn là hình mẫu cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích chính trị, kinh tế… Chắc chắn hình ảnh Việt Nam sẽ được nhắc nhiều, liên tục trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Thậm chí họ còn có những hình ảnh trực tiếp từ Việt Nam đi các nước. Chắc chắn đây là cơ hội rất quý báu để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sự kiện lớn này đã tạo động lực mới cho Việt Nam để tham gia sâu rộng hơn vào chính trường thế giới. Việt Nam cũng có thể củng cố và nâng cao vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, ngành du lịch qua sự kiện này có cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Cơ hội tuyệt vời bởi lẽ nước nào cũng vậy, họ phải bỏ ra chi phí rất lớn, có thể đến hàng trăm nghìn USD để mời các đoàn phóng viên quốc tế, đặc biệt là các hãng tên tuổi đến để viết bài và đưa tin về du lịch, song lần này, các phóng viên quốc tế chủ động xin vào Việt Nam. Với hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình trong một thời điểm dài như vậy, chắc chắn hiệu ứng lan tỏa sẽ nhanh, mạnh, hiệu quả và không thể bỏ qua.

- Nhận định đây là cơ hội lịch sử nhưng ngành du lịch dường như vẫn lúng túng khi đưa ra quyết sách, giải pháp để nắm bắt cơ hội?

- Khác với các cuộc gặp khác vì đây là cuộc gặp được quyết định do 2 bên và chúng ta được biết trong thời gian rất gấp, ngay trước Tết Nguyên đán nên chúng ta có quá ít thời gian để chuẩn bị.

Khi đến Việt Nam trong sự kiện này sẽ có 2 thành phần. Thứ nhất, là thành viên các phái đoàn tham dự. Tổng cục Du lịch khó có khả năng tiếp cận và gợi ý về các điểm đến cũng như các sản phẩm du lịch với nhóm này. Thứ hai là đội ngũ phóng viên, báo chí theo dõi, đưa tin sự kiện. Đây chính là mục tiêu chính của ngành du lịch. Tuy nhiên, việc tiếp cận phải rất tế nhị và chúng ta có thể đưa ra mời chào họ. Do công việc của họ là tập trung vào diễn biến sự kiện nên để họ quan tâm tìm hiểu tham quan du lịch là khá ít vì thế cần đưa tới cho họ những lựa chọn tự nhiên, phù hợp với chính nhu cầu công việc của họ. Ví dụ như tổ chức các tour miễn phí mang tính gợi ý cho phóng viên như các điểm thăm quan mà các nguyên thủ quốc gia thường đến thăm, nơi các nguyên thủ từng đến trải nghiệm như bún chả ở Lê Văn Hưu (Hà Nội), hoặc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, hồ Tây, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Việc này giúp họ tận mắt thấy và thu thập các tư liệu về các điểm đến này nếu các nguyên thủ trong chuyến gặp gỡ này có đến những nơi đó phóng viên sẽ có ngay thông tin và hình ảnh đẹp để đưa lên.

Nếu ở vai trò phóng viên thì tôi không thích các tour được bố trí mà thích tự tìm tòi. Cần có đợt tuyên truyền để từng người dân hiểu đây là cơ hội cho ngành du lịch và cho chính người dân Hà Nội để họ tự nhận thấy họ có trách nhiệm để đem lại hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam đến với báo chí quốc tế.

- Ông có kỳ vọng gì từ hiệu ứng mà ngành du lịch sẽ đón nhận từ cuộc gặp gỡ lịch sử này?

- Sau cuộc gặp này tôi tin ít nhất có luồng du lịch Mỹ đến tương tự như hiệu ứng sau phim “Người tình”, “Đông Dương”, tạo hiệu ứng khách du lịch Pháp đến Việt Nam. Lâu nay, nhiều người Mỹ chưa biết Việt Nam thay đổi như thế nào sau cuộc chiến. Họ nghĩ Việt Nam rất lạc hậu thậm chí họ còn cho rằng chúng ta vẫn đang ở trong cuộc xung đột nào đó. Song sau cuộc thăm của Tổng thống Mỹ thì chỉ cần một điểm du lịch làm ông thích sẽ lan tỏa rất nhanh.

Hiện nay thị trường khách du lịch Mỹ là thị trường trọng điểm của ngành vì họ chi trả cao, ở lâu. Gần như các nước trên thế giới đều coi Mỹ là trọng điểm. Thái Lan, Malaysia, Indonesia… họ đều có chính sách đặc biệt khuyến khích Mỹ như mở đường bay thẳng, miễn thị thực cho công dân Mỹ… mà họ phải nhọc công như thế trong khi ta đang có cơ hội như thế này thì rất tốt để thúc đẩy nguồn khách từ thị trường Mỹ. Bên cạnh đó còn thị trường Hàn Quốc có thể đến - đây là thị trường tốt.

Lợi thế về an ninh khi tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng

Cơ hội lịch sử nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 2Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra ở Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình”

- Dưới góc nhìn của một chuyên gia du lịch, theo ông chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch dài hơi như thế nào để “cất cánh” từ cơ hội này?

- Kinh nghiệm từ chính Mỹ, thành phố du lịch Philadelphia là một dẫn chứng thành công khi biết tận dụng cơ hội lịch sử. Philadelphia là thành phố nhỏ ở Mỹ nhưng nơi này có cơ hội lịch sử khi lãnh đạo các bang của Mỹ đã cùng ngồi lại bàn thảo và ra được Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã khiến nơi này trở thành một trong những điểm đến du lịch mạnh.

Theo tôi, nếu được chúng ta sẽ biến điểm diễn ra cuộc gặp gỡ này thành một nơi để tham quan theo hướng tương tự. Nếu làm được như thế ít nhất đã thu hút được khách du lịch Mỹ - Hàn Quốc. Với những người làm du lịch thì đầu tiên phải tạo ra một điểm tham quan du lịch, sau đó mới lên kế hoạch xúc tiến, đưa hình ảnh đó đến các nước khác. Thậm chí đánh dấu những nơi hai vị nguyên thủ đến thăm, tạo ra các câu chuyện bên lề. Hiện trên trang web của Tổng cục Du lịch chúng tôi cũng đang tạo ra các câu chuyện về Hà Nội. Ví dụ gợi ý điểm thăm quan nếu hai nhà lãnh đạo đến; hoặc gợi ý khách sạn mà hai nhà lãnh đạo có thể sử dụng. Khách du lịch có khó tính đến đâu hoặc các nhà du lịch cao cấp nhìn thấy hai nguyên thủ của hai nước còn chọn được thì sao khách du lịch không chọn được.

- Cụ thể hơn chúng ta nên có những thay đổi, bổ sung chính sách gì để có thể thu hút và tăng trưởng dòng khách quốc tế sau sự kiện này, thưa ông?

- Theo tôi đầu tiên là cần cởi mở hơn trong việc mở cửa bầu trời. Việc mở đường bay thẳng đến Mỹ là một bước tiếp cận kịp thời của một số doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm này. Hiện nay Hội đồng tư vấn du lịch đã gửi thư cho Thủ tướng đề xuất việc mở cửa bầu trời và mở rộng các sân bay quốc tế đang đạt ngưỡng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất… Chúng ta có nhiều cơ sở hạ tầng tốt, có nhiều tập đoàn quản lý khách sạn của Mỹ đã đặt chân đến Việt Nam và thiết lập được những tiêu chuẩn dịch vụ cho thị trường này. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra là nâng cấp chất lượng ở các điểm đến. Tiếp tục duy trì và áp dụng nhiều chính sách tốt tạo điều kiện cho du khách trong việc miễn và cấp visa.

Có thể nên chăng với 2 thành phố là Hà Nội và Đà Nẵng tổ chức các cuộc gặp lịch sử thu hút các nhà lãnh đạo và nguyên thủ, nên nghĩ đến khả năng phát triển du lịch MICE (hội thảo, hội nghị). Loại hình này không chỉ thu hút du lịch hội nghị, du lịch truyền thống mà còn thu hút doanh nhân mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư kinh tế, đem lại nguồn lợi lâu dài. Đặc biệt, chúng ta cần nhấn mạnh tới lợi thế về an ninh khi tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng. Đây là thông điệp có thể đưa ra cho du khách có lợi cho ngành du lịch Việt Nam. Tôi tin rằng với cơ hội cũng như nhiều giải pháp đồng bộ chúng ta sẽ chuyển tải được thông điệp Việt Nam là điểm đến không thể bỏ qua; nên đến ít nhất một lần trong đời!

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!