Cơ hội cho người nghèo
(ANTĐ) - Luật Xuất nhập cảnh mới của Nhật Bản có hiệu lực từ 1-7. Theo đánh giá, luật mới này sẽ mở rộng cơ hội đối với nhiều lao động hơn nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.
Luật xuất cảnh mới của Nhật Bản mang lại nhiều cơ hội với lao động Việt Nam (Trong ảnh: Đoàn lao động Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí và chế biến thủy sản làm thủ tục xuất cảnh đi Nhật Bản) |
- PV: Việc chuẩn bị cho xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản khi Luật Xuất nhập cảnh mới ở nước này có hiệu lực được tiến hành đến đâu, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Việc này chúng tôi đã chuẩn bị cho doanh nghiệp từ vài tháng nay, thông qua hình thức tập huấn, hội thảo. Trước mắt, chúng ta thử nghiệm cho doanh nghiệp thực hiện xem cách thức và kết quả như thế nào. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải hợp tác tốt với đối tác Nhật Bản thực hiện nghiêm túc luật pháp Nhật Bản. Đặc biệt lưu ý doanh nghiệp không được phép thu tiền bảo lãnh hợp đồng (ký quỹ) của người lao động. Tôi cho rằng, không thu tiền ký quỹ sẽ mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động, đặc biệt là những người nghèo, lao động vùng sâu vùng xa.
- PV: Bỏ tiền ký quỹ đang bị nhiều doanh nghiệp “kêu” sẽ gặp khó trong quản lý lao động, đặc biệt là việc chống bỏ trốn?
- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Đúng là nhiều doanh nghiệp “kêu” sẽ gặp khó khăn khi bỏ thu loại tiền này. Vấn đề này chúng ta chờ thời gian tới khi đưa lao động sang làm việc xem diễn biến tới đâu. Nếu lao động trốn chúng tôi sẽ có biện pháp tiếp theo.
Thực tế lâu nay việc lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp không phải do ký quỹ hay không mà do môi trường làm việc hai bên. Đó chủ yếu do tại Nhật Bản còn chủ sử dụng lao động bất hợp pháp, rồi ý thức người lao động ta chưa cao... Hiện nay, chính sách pháp luật của Nhật Bản đã khác trước rất nhiều và đang hạn chế mạnh chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Mặt khác, ý thức của lao động ta hiện nay tại Nhật Bản đã tốt lên nên kết quả là tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm dưới 2%. Đây là con số rất khả quan đối với cánh cửa thị trường lao động này.
- PV: Vậy cơ chế giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm túc việc không thu tiền ký quỹ sẽ như thế nào?
- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn doanh nghiệp từ nhiều tháng nay, chúng ta phải phối hợp thực hiện với đối tác. Nếu doanh nghiệp làm sai trong nước thì pháp luật trong nước sẽ xử lý, làm sai ở Nhật thì phía Nhật có ý kiến chúng tôi cũng sẽ xem xét. Hiện tại đội ngũ giám sát của phía Nhật thực hiện rất tốt việc này, họ có thể hỏi người lao động xem doanh nghiệp có thực hiện nghiêm túc không.
- PV: Hiện nay phí môi giới đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) gấp đôi, thậm chí gấp ba hoặc hơn. Quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Hiện nay có những thị trường thu phí vượt quá quy định nhưng để giải quyết, chúng ta cần phải cân nhắc nhiều thứ như điều kiện lao động, lương sau khi về nước thu được bao nhiêu, người lao động có tự nguyện đi không?... Chúng tôi đã bàn kỹ việc này, dẫu rằng không như mong muốn nhưng cũng phải tạm thời chấp nhận trong hoàn cảnh đang gặp khó khăn về việc làm như hiện nay thì cần phải chờ thêm thời gian nữa. Tiến tới, chúng ta sẽ phải thực hiện các biện pháp để giảm phí môi giới cho người lao động.
Huệ Chi
(Thực hiện)
Gỡ vướng cho doanh nghiệp XKLĐ Sáng 8-7, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do bà Trương Thị Mai - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn Thủ đô. Đây là buổi làm việc đầu tiên trong chương trình kéo dài 2 ngày của đoàn về “Việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Qua đó đánh giá những mặt được và chưa được, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và số lượng lao động đi XKLĐ. Nhiều vấn đề đã được đại diện các doanh nghiệp XKLĐ đưa ra như: sự chênh lệch về phí môi giới giữa các doanh nghiệp; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa theo chuẩn chung; việc cấp phép về lĩnh vực XKLĐ còn nhiều phức tạp, giải quyết rủi ro cho người lao động còn nhiều bất cập… Một số doanh nghiệp cho rằng, thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng gây khó khăn nhất cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Hàng không cho rằng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải ký quỹ từ 5-10% tổng số vốn vay để bảo lãnh cho người lao động. Việc ký quỹ này là rất cao, gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc vay vốn này nhanh hay chậm, ký quỹ nhiều hay ít phụ thuộc vào đàm phán và mối quan hệ của doanh nghiệp với ngân hàng. Các doanh nghiệp đều mong muốn có quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Bà Trương Thị Mai mong muốn các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đồng lòng thống nhất tìm hướng triển khai tốt hơn để sắp xếp điều chỉnh những khó khăn, vướng mắc. Đề nghị các cơ quan quản lý cần nghiên cứu lại cơ chế đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tránh tình trạng người lao động khi đăng ký đi XKLĐ phải thông qua các cơ quan quản lý địa phương, nhưng khi gặp rủi ro lại phải chạy vạy khắp nơi tìm kiếm doanh nghiệp. Các đơn vị liên quan cũng cần đưa ra những đề xuất những hướng giải quyết cụ thể, nếu cần thiết sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét xin ý kiến để đưa ra phương án sửa đổi những điểm bất hợp lý trong chính sách. Bà Trương Thị Mai cũng nhắc nhở ngành XKLĐ cần phải nghiên cứu, xem xét phân cấp một số phần việc có thể giao cho doanh nghiệp tự thực hiện. Qua đó, sẽ giảm bớt phiền hà về thủ tục trong công tác XKLĐ. Hồng Quân |