Có dàn xếp, tiêu cực trong đấu thầu dự án BOT hay không?

ANTD.VN - Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phủ nhận ý kiến cho rằng việc chỉ định thầu, đấu thầu các dự án BOT, BT có dàn xếp, tiêu cực.

Tham gia phiên chất vấn sáng 4-6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết một số cử tri là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phàn nàn việc ở một số địa phương chỉ một hai doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án thông qua chỉ định thầu, hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể nào cạnh tranh được.

"Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tình trạng đặc quyền và độc quyền này khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn, có vụ tới 36 năm. Một số dự án BOT và BT cử tri nghi có thất thoát lớn. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp?", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (trái) trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết không có dự án nào mà không tổ chức đấu thầu công khai trên trang web đấu thầu của Bộ Kế hoạch và đầu tư với thời hạn một tháng. Trong thời gian đó, nhà đầu tư nếu quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để tham gia đấu thầu.

"Với các dự án có từ hai nhà đầu tư tham gia trở lên, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu theo luật định", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận vừa qua chúng ta triển khai rất nhiều dự án BOT, thời điểm đó ít nhà đầu tư quan tâm, vì chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu. Một số dự án, cơ quan chức năng đã kéo dài thời hạn đăng ký để mong có thêm các nhà thầu tham gia song không có.

"Luật vẫn cho phép Bộ Giao thông vận tải chỉ định thầu với điều kiện chỉ có một nhà đầu tư tham gia, bởi bức xúc của địa phương mong muốn có hạ tầng, bà con trông chờ, nhưng không có nhà đầu tư chẳng lẽ chúng ta để vậy. Theo luật chúng tôi đã chỉ định thầu, điều này là bắt buộc và việc này được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về đấu thầu có hình thức hay không, Tư lệnh ngành giao thông cho biết luật đấu thầu quy định rất chặt chẽ, các cơ quan chức năng cũng giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện có vi phạm sẽ căn cứ vào luật xử lý.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, khi đấu thầu các nhà thầu đều mong nhận nhiều dự án, trúng nhiều dự án nằm rải rác ở các địa phương, việc phối hợp giữa các bộ ngành địa phương chưa chặt chẽ, nhà thầu yếu kém về năng lực tài chính không thể đáp ứng cùng lúc nhiều dự án, dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí. Song, Bộ thường xuyên họp giao ban để kiểm tra, giám sát tiến độ với mong muốn dự án đúng tiến độ, tránh lãng phí.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tiếp tục tranh luận: “Việc tôi nêu là có hay không thực trạng doanh nghiệp được ưu ái chỉ định thầu hoặc dàn xếp khi đấu thầu, nếu có thì xử lý thế nào?".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia trả lời vấn đề này cho cử tri rõ.

Sáng 4-6, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể mở màn phiên chất vấn, trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng sẽ nói về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông vận tải có thêm một giờ (từ 14h đến 15h) trả lời.