Có cơ chế loại bỏ cán bộ thoái hóa, biến chất

ANTD.VN - Các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra trong năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. 

Có cơ chế loại bỏ cán bộ thoái hóa, biến chất ảnh 1Xử lý tốt tin tố giác của nhân dân là một trong những điều kiện để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

5 án nặng cho tội phạm tham nhũng

Đó là thông tin được Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu đưa ra trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ 

1-10-2015 đến 30-9-2016, các Cơ quan điều tra trong lực lượng CAND đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng... TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7%. Đặc biệt có 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình và tù chung thân, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng. 

Có thể nói, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành và nhiều lĩnh vực. 

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho”... Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.

Ngoài ra, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi, nhiều cấp còn yếu, việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy tăng, nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. 

Cơ chế để người dân giám sát

Năm 2017, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp PCTN, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCTN; hoàn thành dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi trình Quốc hội; tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo Chỉ thị 

50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Triển khai nhiều kênh để tiếp nhận thông tin về tham nhũng, nhất là đơn thư, tố cáo và thông tin dư luận, báo chí. 

Thảo luận tại hội trường, hầu hết các ĐBQH đều thể hiện sự đồng tình về các nội dung nêu trong báo cáo. Song theo ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa), việc thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa hiệu quả, công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Người dân tại một số địa phương vẫn phải chịu tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một số cơ quan công quyền, công tác đấu tranh PCTN chưa cao.

Với quan điểm tương tự, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng nhiều vụ án tham nhũng nghìn tỷ, cá nhân vi phạm đã bị xử lý nghiêm nhưng tài sản thu hồi được không đáng là bao, vậy tiền đã đi đâu? “Chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do vai trò giám sát của nhân dân chưa mạnh mẽ. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta đã có cơ chế để người dân giám sát chưa?” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.