Cơ chế “mở” phải đi đôi với cơ chế giám sát của Nhà nước

(ANTĐ) - Sau khi loạt bài “Bi hài chuyện tài sản Nhà nước thời cơ chế thị trường” đăng trên Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 28 và 29-5, ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa XII và kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Cơ chế “mở” phải đi đôi với cơ chế giám sát của Nhà nước

(ANTĐ) - Sau khi loạt bài “Bi hài chuyện tài sản Nhà nước thời cơ chế thị trường” đăng trên Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 28 và 29-5, ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa XII và kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Tiệc cưới trong Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch
Tiệc cưới trong Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

“Xây dựng một công trình, phải đi kèm bài toán  về hiệu quả kinh tế”

Chuyện “lấn sân ngành dịch vụ thương mại” của các đơn vị sự nghiệp, có thể nhìn từ nhiều góc độ.

Tuy nhiên, việc trao quyền chủ động là để các đơn vị điều hành với một bài toán tối ưu đáp ứng cả hai lợi ích: Nhà nước và đơn vị quản lý. Bài toán ấy đòi hỏi phải lựa chọn các hình thức sử dụng thích hợp. Một giải pháp triệt để là mỗi công trình khi xây dựng phải kèm theo bài toán kinh tế để tính được hiệu quả sử dụng. Tránh đầu tư trùng lặp. Cơ chế “mở” phải đi đôi với cơ chế giám sát, phải quan tâm đến môi trường văn hóa của hoạt động phụ thêm ấy. Với các viện, bảo tàng, trong thiết kế của nó nhất thiết phải có không gian dịch vụ, kể cả ăn uống nhưng nó phải thích hợp chứ không phải là nơi nhậu nhẹt. Nó phải tương thích về văn hóa với bảo tàng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng:

“Đã có ý kiến tới Văn phòng Chính phủ về việc này”

Các cơ sở công lập được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, lương bổng cho cán bộ công nhân viên đều có từ ngân sách. Mỗi cơ sở đều có nhiệm vụ phục vụ chính trị rất rõ rệt. Đành rằng đồng lương hiện nay không đủ sống, nhưng đó là điều kiện chung của mọi đơn vị. Người đứng đầu có thể nghĩ ra cách làm thêm để cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên của mình nhưng không thể khai thác công sở vào việc này.

Hiện nay, rất nhiều hội nghị quan trọng vẫn khó tìm được địa điểm để tổ chức. Họ vẫn phải đi thuê, trả tiền sòng phẳng. Các trung tâm hội nghị, cung văn hóa, bảo tàng... có thể khai thác để phục vụ các hội nghị này. Còn để cho thuê đám cưới, theo tôi, sẽ gây nên phản cảm rất không hay. Trung tâm Hội nghị Quốc gia đang xuống cấp tại phòng họp, một số giáo sư đã gửi ý kiến về Văn phòng Chính phủ và đã được hồi âm là sẽ khắc phục sớm. Ngay việc khai thác diện tích chung quanh các xí nghiệp quốc doanh cũng là điều bất hợp lý. Nhẽ ra, đó là nơi chỉ nên giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của xí nghiệp mà thôi. Khóa Quốc hội trước tôi đã chất vấn chuyện này với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và được trả lời Bộ sẽ thu hồi lại nếu không sử dụng đúng mục đích. Không biết bao giờ chuyện này mới được thực hiện?

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện:

“Phải tương xứng với tầm vóc của công trình”

Với các công trình quốc gia vừa mới xây dựng, theo tôi, cơ quan chủ quản không nên tranh thủ cho thuê mặt bằng, hội trường. Ví dụ, với quy mô lớn, tầm cỡ như các trung tâm hội nghị cấp quốc gia, quốc tế, nên cố gắng tập trung cho chức năng chính. Việc tổ chức đám cưới ở đây là không hợp lý. Có thể lý giải, việc cho thuê các hoạt động sinh hoạt dân sự là xuất phát từ việc công trình không sử dụng hết công suất.

Đồng ý là, chúng ta phải khai thác hết công suất của công trình cho hiệu quả, nhưng không có nghĩa, chương trình nào cũng cho tổ chức. Chương trình ấy phải phù hợp, tương xứng với giá trị văn hóa, ý nghĩa chính trị của công trình. Người đứng đầu đơn vị phải bố trí sao cho hợp lý. Theo tôi, những nhà quản lý cũng cần rút kinh nghiệm về việc đầu tư xây dựng công trình. Trên thực tế, đã có bài học, vì duy ý chí, chúng ta cho xây thật to để rồi thực tế nhu cầu sử dụng không đến mức đó, là lãng phí. Có công trình cấp quốc gia, khi chúng ta làm, đã rất vội vã, không có luận chứng kinh tế rõ ràng. Xây dựng mới một công trình nào đó là phải có tính toán cụ thể để làm sao có thể khai thác được hết công suất sau này.

Phạm Huyền (thực hiện)