Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng

ANTĐ - Nhớ về đồng chí Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Công an, nhiều người sẽ còn nhớ mãi hình ảnh về một nhà lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất đỗi giản dị và thân tình. 

Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng ảnh 1Đồng chí Trần Quốc Hoàn gặp gỡ các đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

“Quét sạch nhà để đón khách không mời mà đến”

Tại cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, do CLB sỹ quan Công an hưu trí (Bộ Công an) tổ chức diễn ra vào sáng qua (15-1), các ý kiến phát biểu đều bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ tầm nhìn chiến lược của ông. Vào khoảng năm 1959, khi đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát các chiến sỹ cộng sản và người dân yêu nước, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nhận định, rồi thế nào địch cũng sẽ đưa gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc.

Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng ảnh 2

Đặc biệt, qua sự kiện Nhật Bản sử dụng tình báo điện đài thu thập tin tức của Mỹ và tổ chức tấn công Trân Châu Cảng (năm 1941), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ ngày ấy đã sớm xác định rằng, muốn phá vỡ âm mưu tấn công miền Bắc của địch phải biết chúng đang làm gì và việc thu tin bằng vô tuyến điện là một biện pháp rất quan trọng. Vì thế, bên cạnh việc thành lập đơn vị có mật danh MATH (nay là một đơn vị Kỹ thuật Nghiệp vụ của Tổng cục An ninh), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn cho lắp ráp hệ thống máy thu phát vô tuyến điện tại đơn vị MATH và có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xin 50 chiến sỹ phục vụ cho đấu tranh chống gián điệp biệt kích và chi viện cho an ninh miền Nam. 

Đúng như dự đoán, ngày 27-5-1961, địch đã cho thả toán gián điệp biệt kích “Castor” xuống điểm cao 828 Châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Sơn La). Với phương châm “Quét sạch nhà để đón khách không mời mà đến”, tức là bắt gọn, bắt chúng phải hợp tác để đánh lại trung tâm chỉ huy của chúng tại Sài Gòn, từ năm 1961 đến 1970, tình báo của ta đã câu nhử và bắt được 53 toán với gần 600 tên cùng nhiều phương tiện như: máy thu phát vô tuyến điện, súng, đạn, mìn, thuốc nổ và mọi trang bị khác.  

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã xây dựng, phát triển lực lượng khoa học kỹ thuật của Công an Việt Nam từ không đến có, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử.

Vị Bộ trưởng thân tình

Hình ảnh của vị Bộ trưởng gần gũi, chan hòa và quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ luôn in đậm trong trái tim nhiều người. Là một trong 50 chiến sỹ quân đội được điều động sang ngành Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Hồ Thanh Can không bao giờ quên sự quan tâm của vị Bộ trưởng dành cho gia đình ông.

Trong khi đang hoạt động ở miền Nam, người thân của ông Hồ Thanh Can gồm ông ngoại, chị dâu và hai đứa con thơ của ông đã bị máy bay Mỹ ném bom sát hại. Đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã gọi điện hai lần yêu cầu ông quay trở ra Bắc nhưng nhiệm vụ chưa hoàn thành, ông vẫn xin tổ chức cho nán lại miền Nam để hoàn thành nhiệm vụ đến cùng. Mãi đến năm 1974, ông Hồ Thanh Can mới ra Bắc. Hiểu nỗi đau mất con, mất người thân, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tạo điều kiện cho ông và vợ được nghỉ phép 1 tháng. Sau này, hai con của ông lần lượt được ra đời và đều đã trưởng thành, cống hiến cho xã hội. Ông Hồ Thanh Can chia sẻ: “Nếu không được sự quan tâm của Bộ trưởng, tôi đâu có được hạnh phúc như ngày hôm nay”. 

Còn trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,  Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lại là một người rất đỗi gần gũi, thân tình. Những ngày còn ở An toàn khu Định Hóa cũng như những năm tháng đã về Hà Nội, các buổi văn nghệ hay chiếu phim ở cơ quan, ông  là khán giả thường xuyên cùng với các anh chị em trong đơn vị. Thấy đoạn nào thú vị, ông trao đổi, bình luận với người ngồi bên cạnh và không có khoảng cách nào giữa vị Bộ trưởng với cấp dưới.

28 năm làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông đã đặt nền móng cho sự lớn mạnh của ngành, vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận vào thực tiễn, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù trong giặc ngoài. Với Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, ông chính là tấm gương sáng tích cực học tập, làm theo và đẩy mạnh cuộc vận động thành nền nếp cho cán bộ chiến sỹ toàn ngành thường xuyên tu dưỡng.