Cơ bản thống nhất không trình Quốc hội sửa Luật Đất đai trong năm 2020

ANTD.VN - Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai khỏi chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay, 21-4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung 03 dự án luật, dự thảo nghị quyết mới vào Chương trình kỳ họp thứ 10. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở cân đối giữa Chương trình năm 2020 với năm 2021, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo; đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Đại diện cơ quan của Quốc hội thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, dự kiến Chương trình năm 2021 như sau: Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3-2021): thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; không cho ý kiến dự án nào;

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV (tháng 7-2021): thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: không cho ý kiến về dự án nào. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10-2021): cho ý kiến 06 dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Riêng với việc sửa đổi dự án Luật Đất đại, Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình để trình năm 2020.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10-2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9.

Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế thống nhất không trình sửa luật Đất đai trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV mà để sang khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị sửa luật Đất đai vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (khóa sau). Đồng thời, không đồng tình việc ban hành nghị quyết giải quyết vướng mắc trong thi hành luật Đất đai, vì cho rằng “không biết có giải quyết được không”, trong khi luật Đất đai là luật nền thì đã rút khỏi chương trình.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm tốt những dự án Luật đã được đưa vào trong Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2020, 2021, đặc biệt phải cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và về thời gian, không thể vội vàng, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm, các Dự án Luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.