Chuyện về những hội thề “làm quan trong sạch”

ANTĐ - Cuối năm 2014, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng MEC tổ chức một cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”. Bức tranh được giải Nhất thuộc về họa sĩ Lê Phương (Leo). 

Chuyện về những hội thề “làm quan trong sạch” ảnh 1

Dưới góc nhìn hài hước, Leo vẽ 2 con đường, một đông nghịt người xe, đi lễ đền Trần hòng thăng quan tiến chức và đối lập nó, con đường rẽ hướng đi hội Minh Thệ (hay còn gọi là Minh Thề) chẳng có bóng người. Những tưởng đó chỉ là câu chuyện hài hước mà họa sĩ Lê Phương thuận tay phóng tác kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh”, hóa ra… đó là thực tế cười ra nước mắt. Không hiểu tình cờ, hay sắp đặt mà hội đền Trần Nam Định và hội Minh Thệ Hải Phòng lại diễn ra cùng vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch. Hội Minh Thệ độc đáo ở chỗ, nó là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách. 

Sử cũ còn lưu, giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (làng Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động 35 vị hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ. Thái hoàng Thái hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa. Số ruộng ấy, ngoài diện tích chùa, được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng, còn dư thừa được tích trữ hàng năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không có tình trạng tham nhũng của công, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh Thệ. Và, lễ hội Minh Thệ đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Hội Minh Thệ tổ chức hàng năm tại chính đền thờ Hoàng Thái hậu thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, trang trọng, sau lễ dâng hương, dâng nước, chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân đền gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ, 3 vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc “Hịch văn”, đại ý là: Của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử…, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt. Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm. Đã nhiều năm  lễ hội Minh Thệ ở làng Hòa Liễu diễn ra yên bình và lặng lẽ với sự tham gia của chủ yếu là người làng. Những người tham gia uống rượu thề đa phần là lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn và người cao tuổi. Dân làng Hòa Liễu vẫn nói với nhau rằng, nhờ lễ hội này mà người làng nhiều năm qua sống giản dị và yên lành, không có cướp bóc, không ai mắc trọng tội.

Ở Hà Nội cũng có một lễ hội thề như thế vào ngày 4-4 âm lịch, Lễ hội đền Đồng Cổ - Thụy Khuê, Tây Hồ. Tương truyền, ngôi đền này được xây dựng vào năm 1028, thời Lý. Đền thờ thần Đồng Cổ, gắn liền với hội thề "Trung hiếu". Sách “Việt điện U linh” (thế kỷ XIV) viết rằng, năm 1020, Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha đi đánh Chiêm Thành, kéo quân từ Thăng Long vào phía Nam, dừng chân tạm trú tại khu vực đền núi Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê - Ái Châu, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Giờ Tý, bỗng từ ngoài có tiếng vang dền như sấm.

Thái tử Phật Mã thấy bóng một người cao to hiện ra, khuôn mặt phong sương, râu cứng, mặc áo giáp bào, tay cầm binh khí nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Thái tử Phật Mã đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc... Thắng trận, trở về, Thái tử Phật Mã đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ. Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tông cho xây ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25-3 tiến hành hội thề tại đền. Trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thần vị Đồng Cổ, quan giám thị điều khiển hội thề. Vua quan từ phía Đông đi vào đền, quỳ trước đàn đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Sau ngày hội thề trùng với ngày kỵ của vua nên hội thề chuyển sang ngày 4-4. Các đời vua Lý đều giữ lệ thề ấy. Hàng năm vào ngày 4-4, vua và các triều thần đều đến đền Đồng Cổ họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”. Cho đến nay, hội vẫn được mở hàng năm. 

Trở lại câu chuyện về đêm ngày 14 tháng Giêng Âm lịch ở đền Trần - Nam Định, dưới màn mưa lạnh, cả vạn người xếp thành hàng dài nhẫn nại chờ sáng để xin ấn. Ấn in ra cả triệu bản, ai có nhu cầu cứ kiên trì xếp hàng và chờ là có. Người đi hội cũng đủ các thành phần, nghề nghiệp. Tất nhiên có cả những người suốt đời không liên quan đến con dấu - ấn tín cũng cố chen bằng được để xin lộc cầu buôn may bán đắt. Dưới cửa thánh thần, không chỉ cầu xin đủ điều, người ta còn chen nhau nhảy lên sập thờ, làm vỡ cả lọ hoa để cướp lộc lấy may. Thủ từ dù hết sức cố thủ, giữ cho bằng được đồ lễ trên ban nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, sức mỏng lực mỏng đối đầu với làn sóng cả trăm người nhao nhao cướp lễ, rốt cuộc đành buông xuôi. Không hiểu thánh thần trời phật nào chứng cho cái sự hỗn hào của con cháu thời nay hở ra là cướp, cướp ấn, cướp lộc, cướp lương…  về làm của riêng mà trong lòng đầy hy vọng thánh phù hộ quanh năm. Có lẽ, cần nhân lên những lễ hội như Minh Thệ hay Đồng Cổ, để người đi hội được đứng trước trời đất, trong thời khắc linh thiêng giao hòa mà rằng: “Làm quan trong sạch, ai lấy của công dùng vào việc tư, thần linh đả tử”.