Chuyện những người lính dũng cảm xông pha cứu người hoạn nạn

ANTD.VN - Đến với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội một ngày đầu tháng 1-2018, hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt chúng tôi là cảnh tượng các cán bộ chiến sĩ của đơn vị vẫn hăng say luyện tập các kỹ năng và huấn luyện sử dụng các thiết bị máy móc kỹ thuật. Bên ngoài kia, cơn mưa lạnh buốt của đợt rét đậm kéo dài của mùa đông năm cũ nối sang năm mới vẫn hiện hữu.

Chuyện những người lính dũng cảm xông pha cứu người hoạn nạn ảnh 1Lực lượng PCCC cứu 1 người mắc kẹt trong cabin sau vụ tai nạn ngày 28-12-2017

Với nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH), cụ thể là cứu người bị nạn trong các sự cố cháy, nổ; sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình, tai nạn giao thông, người đuối nước, các chiến sĩ PCCC số 12 luôn là mũi tiên phong mỗi khi xảy ra sự cố trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Và lần nào cũng vậy, các anh vẫn luôn chiến đấu với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đến cùng vì sự an toàn của người dân.

Tự hào khi cứu sống được người dân

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm, dù mệt mỏi thế nào hay công việc có gian nan, vất vả, nguy hiểm đến tính mạng bản thân, nhưng bù lại, nghề của chúng tôi khi cứu sống được người dân là điều tất cả anh em trong đơn vị rất vui và tự hào về công việc mình đang làm”. Gặp lại các chiến sĩ trẻ đang luyện tập vất vả sau một lần chứng kiến các anh cứu người mắc kẹt trong một vụ tai nạn giao thông, tôi mới thấm thía và hiểu những nỗi vất vả của người lính PCCC và CNCH. 

Hôm đó, vào khoảng 3h sáng 28-12, khi người Hà Nội đang chìm sâu trong giấc ngủ của những ngày đông lạnh giá, chúng tôi nhận được tin báo xảy ra tai nạn giao thông có người mắc kẹt tại quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi phóng viên tới hiện trường, lúc ấy các chiến sĩ Cảnh sát PCCC số 12 đã có mặt và đang giải cứu người mắc kẹt. Kết quả điều tra hiện trường cho thấy, chiếc xe ô tô mang BKS: 29H-048.29 va chạm mạnh với xe tải mang BKS: 37C-121.81 đi ngược chiều làm toàn bộ cabin bị bẹp nát. Trên cabin xe ben có 1 nam giới trong tình trạng bất tỉnh, mắc kẹt bên trong. 

Xác định vị trí mắc kẹt của nạn nhân, các chiến sĩ đã sử dụng banh cắt thủy lực, kìm cộng lực, thiết bị kích thủy lực đẩy các cấu kiện trong cabin xe tạo đủ không gian để có thể cứu nạn nhân mắc kẹt trong cabin ra ngoài và đưa đi cấp cứu. Sau hơn 1 giờ  cứu nạn cứu hộ tích cực khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã giải cứu thành công, đưa nạn nhân ra ngoài chuyển lên xe cứu thương đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Theo các y, bác sĩ tại bệnh viện, rất may nạn nhân được cứu kịp thời, nếu chậm chút nữa có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Không ngừng rèn luyện, nỗ lực trong huấn luyện, công tác và chiến đấu, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh; sẵn sàng xung phong đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, với những người lính làm nhiệm vụ CNCH, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân luôn là mục tiêu và nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Nói về thành tích của đơn vị, Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho biết: “Trong năm vừa qua, trên địa bàn 2 huyện Thường Tín, Phú Xuyên đã xảy ra 10 vụ việc yêu cầu CNCH (3 vụ CNCH trong đám cháy, CNCH đuối nước 2 vụ, CNCH tai nạn giao thông 4 vụ, CNCH rò rỉ khí NH3 1 vụ). Đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm được 4 nạn nhân đuối nước, cứu được và hướng dẫn thoát nạn 19 nạn nhân tai nạn giao thông; cứu được 4 nạn nhân trong đám cháy; xử lý thành công 1 vụ rò rỉ khí NH3”.

Chuyện những người lính dũng cảm xông pha cứu người hoạn nạn ảnh 2Cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội luyện tập sử dụng các thiết bị cứu nạn cứu hộ 

Vượt qua nỗi ám ảnh

Đằng sau những đám cháy được dập tắt, những nạn nhân mắc kẹt được giải cứu an toàn là công việc nguy hiểm, khó khăn thầm lặng của những người lính PCCC và CNCH mà không phải ai cũng biết. Thiếu tá Bùi Duy Toàn, Phó Đội trưởng Đội PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 chia sẻ: “12 năm làm công việc PCCC và cứu nạn, cứu hộ người mắc kẹt trong các đám cháy, vụ tai nạn giao thông, người đuối nước, nhưng mỗi lần làm nhiệm vụ tôi vẫn phải tự động viên mình và các anh em cán bộ chiến sĩ dũng cảm lao vào hiểm nguy cứu người bị nạn. Đã từng xông pha vào hàng nghìn đám cháy để giải cứu người, chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn giao thông thảm khốc có người mắc kẹt, nhưng mỗi lần trở về nhà tôi vẫn bị ám ảnh, nhiều đêm liền mất ngủ...”.

“Chúng tôi luôn tâm niệm, dù mệt mỏi thế nào hay công việc có gian nan, vất vả, nguy hiểm đến tính mạng bản thân, nhưng bù lại, nghề của chúng tôi khi cứu sống được người dân là điều tất cả anh em trong đơn vị rất vui và tự hào về công việc mình đang làm”.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội)

Khoảng 18h ngày 19-12, nhận được tin báo xảy ra tai nạn giao thông có 2 người mắc kẹt trong một chiếc xe tải chở vật liệu, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 12  nhanh chóng có mặt giải cứu người bị nạn. Khi tiếp cận hiện trường, phần đầu cabin chiếc xe bẹp rúm, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt lực lượng CNCH là phần chân và tay của 2 nạn nhân bị đứt rời. Không chỉ vậy, nhiều phần thi thể bị biến dạng, không còn nguyên vẹn. Hình ảnh đáng sợ ấy khiến nhiều chiến sĩ thoáng thấy rùng mình. Tuy nhiên, có điều gì đó đã thôi thúc người lính cứu hỏa Đặng Bảo Quý và đồng đội của mình rằng cần phải trấn tĩnh, lấy lại tinh thần và đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường mắc kẹt.

“Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ mình làm việc vì cái tâm với nghề và vì người khác. Họ không may không còn sống thì cũng phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi hiện trường. Vì vậy mà, trong lúc thu lại từng bộ phận trên thi thể nạn nhân bị rơi ra, tôi không hề biết sợ. Chỉ khi xong việc, trở về đơn vị, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh khiến tôi vài đêm không thể ngủ nổi. Nhiều lần như vậy, rồi cũng thành quen. Vì công việc như vậy, nên cứ cố gắng theo đuổi”, Đặng Bảo Quý nói.

Điều mà lực lượng Cảnh sát PCCC luôn ghi nhớ, đó là phải đảm bảo an toàn cho chính mình thì mới có khả năng để cứu người khác. Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, những người lính trước khi làm nhiệm vụ trong công tác PCCC và CNCH được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, CNCH.

Về đơn vị, ngoài thời gian trực tiếp chiến đấu, họ đều phải tham gia các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ khắt khe và thường xuyên. Bản lĩnh của những người đồng chí, đồng đội đang khoác trên mình màu áo người lính PCCC và CNCH tiếp tục được tôi luyện qua khó khăn, thử thách. Một mặt trận không tiếng súng, nhưng đã có những người lính chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tấm gương anh dũng của các anh, một lần nữa khẳng định và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Sự hy sinh thầm lặng ấy luôn tỏa sáng và khẳng định hình ảnh người chiến sĩ công an đẹp trong lòng nhân dân.

“12 năm làm công việc PCCC và cứu nạn, cứu hộ người mắc kẹt trong các đám cháy, vụ tai nạn giao thông, người đuối nước, nhưng mỗi lần làm nhiệm vụ tôi vẫn phải tự động viên mình và các anh em cán bộ chiến sĩ dũng cảm lao vào hiểm nguy cứu người bị nạn. Đã từng xông pha vào hàng nghìn đám cháy để giải cứu người, chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn giao thông thảm khốc có người mắc kẹt, nhưng mỗi lần trở về nhà tôi vẫn bị ám ảnh, nhiều đêm liền mất ngủ...”

Thiếu tá Bùi Duy Toàn (Phó Đội trưởng Đội PCCC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC số 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội)