Chuyện ngược đời

(ANTĐ) - Chuyện các nhà khoa học trong một trường đại học thiết kế một dây chuyền sản xuất nấm linh chi mới nhưng không biết địa chỉ doanh nghiệp nào cần đặt hàng, sản phẩm làm ra lại đích thân các nhà phát minh phải đem đi bán... là một trong vô số các ví dụ cho sự thiếu hụt đầu ra của các sản phẩm công nghệ có được từ kết quả nghiên cứu ứng dụng các viện, trường đại học trong nước.

Chuyện ngược đời

(ANTĐ) - Chuyện các nhà khoa học trong một trường đại học thiết kế một dây chuyền sản xuất nấm linh chi mới nhưng không biết địa chỉ doanh nghiệp nào cần đặt hàng, sản phẩm làm ra lại đích thân các nhà phát minh phải đem đi bán... là một trong vô số các ví dụ cho sự thiếu hụt đầu ra của các sản phẩm công nghệ có được từ kết quả nghiên cứu ứng dụng các viện, trường đại học trong nước.

Trong khi định hướng của Nhà nước là một mặt đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, một mặt phải tích cực chuyển giao công nghệ với những nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tiễn thì lối mở cho hoạt động này vẫn rất hẹp.

Nói về mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, một giáo sư nhận xét, nếu như ở các nước phát triển, doanh nghiệp dưới sức ép cạnh tranh của thị trường đều phải tìm đến các cơ quan này để đặt hàng, thì ngược lại ở Việt Nam, các viện nghiên cứu và trường đại học phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để hợp tác.

Thừa nhận thực tế này, nhưng đại diện các nhà quản trị doanh nghiệp cũng phải công nhận, thời điểm hiện nay, đặc biệt là trải qua những thăng trầm của thời kỳ lạm phát, để tồn tại nhiều doanh nghiệp đã hiểu ra rằng cần phải tìm đến các nhà khoa học, các nghiên cứu ứng dụng để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tạo sự ổn định và định hướng lâu dài cho sản phẩm của mình trên thương trường.

Mặc dù chủ trương gắn viện nghiên cứu với trường đại học, gắn nghiên cứu với triển khai sản xuất-kinh doanh đã được khơi dậy cách đây cả chục năm và đã được đưa vào Nghị quyết Trung ương Đảng khóa VIII nhưng có thể nói, đến nay hiệu quả triển khai thực tế chưa cao và rộng khắp.

Giám đốc một trong những đơn vị đứng đầu về đào tạo và nghiên cứu cả nước như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng phải thừa nhận, sự hợp tác này chưa thực sự gắn kết được với nhau một cách sâu sắc và thực chất. Nguyên nhân cơ bản vẫn là chưa cùng nhau tìm được quyền lợi đích thực của mỗi bên và sự không theo kịp của cơ chế.

Không thể phủ nhận là hiện nay đã có rất nhiều mô hình thành công về sự hợp tác giữa đào tạo-nghiên cứu-ứng dụng, tuy nhiên, điều quan trọng nhất để những mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng lại chính là cơ chế, chính sách. Không ít nhà khoa học tỏ ra mệt mỏi và ngại ngần khi đụng chạm đến các thủ tục hành chính.

Sự thiếu đồng bộ giữa chủ trương với chính sách của các cơ quan Nhà nước khiến cho các nhà khoa học, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc bắt tay nhau để ứng dụng các nghiên cứu khoa học thuộc các đơn vị Nhà nước vào thực tế.

Vinh Hương