Chuyên gia Quách Tuấn Ngọc phân tích lỗ hổng để "sửa điểm thi THPT quốc gia từ 1 thành 9"

ANTD.VN - Sau sự cố gian lận chấm thi THPT quốc gia tại Hà Giang với mức điểm tăng vọt lên gần 30 điểm so với thực lực, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT một lần nữa có lý do để khẳng định, "không nên tin tuyệt đối kết quả thi tại địa phương".

“Năm 2007, hội nghị giao ban giám đốc sở và tổng kết năm học tại TP Hồ Chí Minh, tôi có phát biểu một ý đại khái là: “Đừng bao giờ tin tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào đại học”” – ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Bằng chứng ông Ngọc đưa ra là biểu đồ điểm 10 thi tốt nghiệp THPT thời đó sang đến thi ĐH “đổ rạp” xuống dù là kết quả của cùng 1 thí sinh đi thi cả hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học.

Phân tích về lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm dẫn tới có thể sửa điểm của một thí sinh từ 1 thành 9 như ở Hà Giang, ông Ngọc cho biết, tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Nên bất kỳ ai cũng có thể biết Phiếu trả lời này là của ai và tìm ra Phiếu của 1 thí sinh ABC nào đấy.

Phiếu trả lời trắc nghiệm ghi rõ tên số báo danh của thí sinh khiến dễ phát sinh tiêu cực sửa điểm

“Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác. Phiếu trả lời trắc nghiệm và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho một trường đại học tổ chức thi vì họ không “dính” đến con cháu nào cả. Nếu có cũng hãn hữu xảy ra. Còn thi tại địa phương thì có thể nói quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò. Còn với thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó. Đơn giản vì có rọc phách. Nếu dồn túi 2 lần thì không tài nào biết bài nào của ai mà sửa bài thi” – ông Ngọc chỉ rõ.

Chia sẻ về kết quả thi trong 13 năm áp dụng hình thức thi “3 chung”, ông Ngọc cho biết, Cục Công nghệ thông tin thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ xếp hạng các địa phương theo mức điểm trung bình 3 môn thi đại học. Theo đó, nhóm xếp hạng rất ít thay đổi, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh.

Bản đồ xếp hạng các địa phương có kết quả thi cao trước đây nay đã thay đổi khó tưởng tượng

“Từ ngày thi 2 trong 1, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa tôi sơn đỏ, nay nhảy lên sánh vai với top 10, tức là mầu xanh trên bản đồ. Đến năm 2018, nhìn kết quả đúng là tôi không tin nổi vào mắt nên quyết định không vẽ bản đồ 2018. Vẽ ra chỉ gây ra chuyện khó coi và khó giải thích” – ông Ngọc nói.

Với lỗ hổng nói trên, ông Ngọc đề xuất, sau khi thi xong, (rọc phách nếu có thì càng tốt) và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ GD-ĐT ngay lập tức. Bộ cũng có thể chấm độc lập trên file ảnh này thì sẽ đảm bảo hơn. Vấn đề chỉ còn là phụ thuộc công suất/tốc độ chấm bằng máy nếu chấm tập trung.