Chuyên gia phản biện đề xuất đánh thuế tài sản bất minh

ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng nếu tài sản bất minh do tham nhũng thì phải tịch thu, xử lý hình sự... chứ không thể đánh thuế.

Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trình bày Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong đó, có điểm đáng chú ý là quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý.

Theo đó, nội dung dự thảo đề xuất: Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Cần làm rõ nguồn gốc trước khi xem xét thuế

Xung quanh đề xuất này, các chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau. Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, một cá nhân không giải trình được nguồn gốc của tài sản thì trước tiên cần phải xem xét nguyên nhân từ đâu. “Có 2 khả năng, một là người đó trốn, không kê khai; hai là có thể có được do tham nhũng, nhận hối lộ” – PGS Lê Xuân Trường nói.

Vì vậy, theo chuyên gia này, nếu khả năng do tham nhũng thì không thể xử lý bằng biện pháp thuế mà cơ quan chức năng phải chứng minh, xử lý hình sự, tịch thu theo quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Còn với trường hợp trốn thuế thì tùy tính chất nguồn tiền, tài sản mà xem xét truy thu thuế. Ngoài ra, người đó có thể còn phải chịu tiền phạt từ 1-3 lần số thuế trốn, theo đó tổng số tiền thuế mà cá nhân phải nộp còn lớn hơn mức 45%.

“Tuy nhiên, về hình thức, quy định về thuế không nên đặt trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà phải nằm trong pháp luật về thuế” – PGS Lê Xuân Trường nêu quan điểm.

Cũng cho rằng không thể quy định chung chung là không giải trình được tài sản thì truy thu thuế, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO khẳng định đề xuất trong dự thảo là chưa phù hợp.

Vị luật sư cũng cho rằng nếu tài sản đó là hợp lệ, hợp pháp thì phải căn cứ vào các quy định về thuế. Còn nếu là bất hợp pháp thì phải xử lý, không thể công nhận dưới bất kỳ hình thức nào. “Nếu chúng ta đánh thuế thì vô hình trung đã thừa nhận tài sản chưa hợp pháp thành hợp pháp” – luật sư Trương Thanh Đức nói.

Tình trạng kê khai tài sản không trung thực vẫn là vấn đề lớn trong công tác phòng chống tham nhũng

Ông Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh quan điểm việc xử lý như trên phải áp dụng với bất kỳ người dân nào chứ không riêng với cán bộ, công chức.

Cần minh bạch việc kê khai tài sản

Với quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng không phải đánh thuế bao nhiêu mà là cần phải tập trung làm rõ nguồn gốc hình thành tài sản.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay, không chỉ việc quản lý kê khai tài sản, mà ngay cả những vấn đề như quản lý bất động sản, quản lý dòng tiền của Việt Nam đều chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch.

“Việc chi tiêu, thanh toán vẫn bằng tiền mặt. Thậm chí, có trường hợp, người dân mua nhà hàng chục tỷ đồng vẫn dùng tiền mặt. Đó là những kẽ hở mà nếu không nhanh chóng bịt thì sau này sẽ càng khó xử lý” – luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đối với vấn đề kê khai tài sản, chuyên gia này cho rằng việc kê khai là cần thiết nhưng quan trọng hơn là khâu công bố, công khai và xử lý ra sao. Việc cần thay đổi đầu tiên là phải thực sự công khai, khách quan, trong đó đơn giản nhất là lập một website để mọi người kê khai thông tin, qua đó người dân có thể giám sát, theo dõi.

“Nếu ta không công khai, không làm quyết liệt thì rất khó thay đổi được thực tế hiện nay” – ông nói.