Chuyện bếp núc tác nghiệp: Đến Mật vụ Mỹ cũng thấy thoải mái, vui vẻ

ANTD.VN - Là sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội xứng đáng với mọi kỷ lục, từ quy mô lực lượng an ninh bảo vệ sự kiện, cho tới số lượng phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Việt Nam... 

Các mật vụ Mỹ vui vẻ trò chuyện ngoài xe, trong khi chờ Tổng thống

“Mọi thứ thật tốt đẹp!”

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai là một trong những sự kiện được đảm bảo an ninh ở cấp độ cao nhất. Bởi vậy, dù đã chuẩn bị rất kỹ từ sớm, nhưng đến chiều 25-2-2019, tổ phóng viên chúng tôi vẫn chưa thể lên đường tới thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).

Nguyên do xuất phát từ việc thẻ tác nghiệp chưa được cấp, dù quá trình làm thủ tục đã diễn ra thuận lợi trước đó. Quãng đường từ Hà Nội lên Đồng Đăng gần 200km, với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ ô tô chạy. Dự kiến khoảng hơn 7h ngày 26-2, đoàn tàu hỏa bọc thép chở phái đoàn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới nơi.

Sau nhiều nỗ lực, tới hơn 19h tối 25-2, chúng tôi mới lấy được thẻ và lập tức, tổ phóng viên - quay phim lên đường ngay. Quốc lộ 1 chưa bao giờ tạo được ấn tượng khó quên với tôi đến vậy. Trời tối, có những lúc mưa đổ xuống, thời tiết lạnh dần. Dù đó là một ngày rất mệt song tôi không thể chợp mắt, bởi sự háo hức và vô số câu hỏi quẩn quanh trong đầu.

Quá trình chuẩn bị tại ga Đồng Đăng lúc này diễn ra thế nào? Liệu phái đoàn Triều Tiên có thay đổi đột ngột lịch trình dự kiến và tới ga sớm hơn hay không? Nếu lãnh tụ đến sớm, khi xe chúng tôi chưa kịp tới thì mọi nỗ lực sẽ trở nên đáng tiếc. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều vị trí làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT đều đã sẵn sàng cùng các xe của lực lượng Cảnh sát giao thông ở hai bên đường. 

22h15, chúng tôi đã lên tới ga Đồng Đăng trong thời tiết se lạnh, mưa phùn ngày càng dày hạt. Để vào được ga, chúng tôi phải đi qua nhiều chốt gác nghiêm ngặt, kiểm soát kỹ giấy tờ. Tại khu vực trước ga lúc đó, lực lượng Công an Việt Nam được bố trí nhiều nơi, vừa để đảm bảo an toàn tại các vị trí xung yếu, vừa giám sát các hoạt động trang trí đang dần hoàn tất. Đối diện ga là khu vực báo chí, với rất nhiều thang chữ A được đặt sẵn, cùng các loại máy quay, máy ảnh được “mặc áo mưa” để giữ chỗ, chờ tác nghiệp. Một số quay phim, phóng viên nước ngoài tranh thủ ngồi tại chỗ, cuốn những chiếc chăn cơ động mang theo người.

Tôi nhanh chóng bước vào phía trong ga Đồng Đăng, trình thẻ để được tác nghiệp. Dù đã muộn, các chốt canh gác gồm cả lực lượng Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát cơ động và lực lượng an ninh... vẫn đứng tại mọi vị trí trọng yếu, đặc biệt ở quanh bậc thang được thiết kế riêng để Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân xuống ga khi ra khỏi tàu. Tôi quay ra khu vực báo chí để trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài tới tác nghiệp. Dù trời rét và có mưa phùn, các phóng viên cho biết, họ không có ý định di chuyển đi đâu, bởi không biết lúc nào đoàn Triều Tiên sẽ tới.

Chủ yếu những phóng viên này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi tôi vừa quay đi, một người chạy tới và hỏi: “Các anh là phóng viên à? Anh cầm lấy chiếc ô này để che mưa, che sương mà giữ sức, chứ mấy ngày tới là vất vả lắm”. Sau đó tôi được biết đó là một cán bộ của Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn. Họ mang ô cầm tay phát miễn phí cho các phóng viên, rồi hướng dẫn chúng tôi tới chiếc bàn đặt rất nhiều hộp xốp nóng hổi bọc trong túi nilon sạch sẽ. Trên bàn ghi dòng chữ “Free Meals, from local government” (Các bữa ăn miễn phí, từ chính quyền địa phương). Hóa ra đây là các suất cơm nóng được Sở Ngoại vụ chuẩn bị để các phóng viên dùng bữa đêm.

Cách đó một đoạn, tỉnh Lạng Sơn dựng lên chiếc lều bạt cỡ lớn để những phóng viên bám hiện trường có chỗ tạm trú tránh được mưa, gió... Sự chuẩn bị đó khiến tất cả phóng viên ấm lòng, bởi sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt thành của chính quyền địa phương. Bởi vậy, một đồng nghiệp người Hàn Quốc giơ tay biểu hiện sự hài lòng:  “Everything's nice!” (Mọi thứ thật tốt đẹp!).

Sau một đêm gần như thức trắng, chúng tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc phái đoàn Triều Tiên cập bến ga Đồng Đăng lúc hơn 8h ngày 26-2. An ninh được đảm bảo tuyệt đối, và đoàn xe chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng phái đoàn nhanh chóng di chuyển về Hà Nội, trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của Công an, Quân đội và những cánh tay giơ lên vẫy tay chào đón nhiệt thành của người dân Việt Nam ở hai bên đường.

Mật vụ Mỹ thân thiện và nói cảm ơn vì an ninh tại Hà Nội quá tốt

“Các bạn đã làm rất tốt! Hà Nội thật yên bình”

Sáng 26-2, chúng tôi lập tức lên xe di chuyển về Hà Nội, để kịp tham gia buổi đón phái đoàn Mỹ tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Một điều thú vị là cách đây hơn một năm, vào tháng 11-2017, tôi cũng đã ở vị trí này để đón phái đoàn của Mỹ, khi người đứng đầu Nhà Trắng tới Hà Nội thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Vì có mặt tại 2 lần đón nên tôi thấy số lượng mật vụ Mỹ giám sát, kiểm soát an ninh trên sân bay lúc này ít hơn hẳn so với lần trước. Cùng với đó, các xe trong đoàn cũng đỗ tại bãi chờ bên phải sân bay, thay vì nổ máy dừng chờ ngay trên sân bay suốt vài giờ đồng hồ như trước. Trên sân bay lúc này, tôi chỉ thấy có 2 ô tô màu đen của lực lượng đặc nhiệm chống tấn công, bảo vệ Tổng thống Mỹ đỗ. Một số lính đặc nhiệm đứng quanh, và tỏ ra rất thoải mái, trò chuyện vui vẻ với nhau... Điều đó khiến tôi cảm nhận được rằng, phía an ninh Mỹ đã nhận thấy rất rõ sự an toàn, đảm bảo mà an ninh Hà Nội thực hiện.

21h ngày 26-2, chiếc “Không lực Một” chở Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Sân bay quốc tế Nội Bài. Quá trình đón diễn ra rất nhanh chóng, chuyên nghiệp. Nét mặt của lực lượng mật vụ và đặc nhiệm Mỹ tỏ rõ sự thoải mái, và đó cũng như một lời khen dành cho nước chủ nhà về công tác đảm bảo an ninh tuyệt đối. Hai ngày tiếp theo, ngày 27 và 28-2 chính thức diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Khách sạn Metropole Hà Nội. Tôi không bỏ sót bất kỳ buổi làm việc nào, khi tác nghiệp sát cánh cùng lực lượng mật vụ và đặc nhiệm Mỹ ở khu vực nhà bạt chuyên dụng đỗ xe  “Quái thú” chở Tổng thống Mỹ.

Khi có cơ hội trao đổi, tôi đã hỏi thăm họ và nhận được cái bắt tay chân tình, cùng lời cảm ơn vì “Các bạn đã làm rất tốt! Hà Nội thật yên bình”. Và như để nhấn mạnh lời cảm ơn chân thành đó, đặc vụ Mỹ tặng tôi và đồng nghiệp  một món quà gồm 1 tấm đề can và 1 huy hiệu in biểu tượng USS (Cơ quan Mật vụ Mỹ).

                         *    *    *

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc. Khi nhìn lại sự kiện ở khía cạnh tổ chức, an toàn và mến khách là những ấn tượng nổi bật nhất mà các nhà báo quốc tế và các quan chức an ninh, mật vụ Mỹ chia sẻ với tôi sau sự kiện. Đó chắc chắn là một thành công, một sự tự hào lớn lao của mỗi người dân Hà Nội - Việt Nam sau sự kiện quốc tế đặc biệt vừa qua.