Chuyện bất ngờ: Điều tra quyết liệt, có lý, có tình, sỹ quan Công an Hà Nội được tội phạm... cảm ơn

ANTD.VN - Trong hàng ngũ cán bộ, chiến sĩ của CATP Hà Nội, có rất nhiều sĩ quan đặc biệt. Trong đó có một người có 23 năm kinh nghiệm điều tra trong lĩnh vực trọng án, hình sự và tội phạm sử dụng công nghệ cao, song khi có bất kỳ vụ án mới nào, anh cũng đều thể hiện được sự “máu lửa” như điều tra viên mới vào nghề. Và chính sự kết hợp giữa sâu sắc với nhiệt huyết đó của anh đã khiến những tên tội phạm dù cứng đầu tới mấy, cũng xuôi lòng thú tội và thậm chí, khi ra tù, có người còn quay lại cảm ơn. Sĩ quan đó là Thượng tá Ngô Minh An – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội. Đơn vị này vừa được đổi thành "Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao".

Sĩ quan có “dòng máu nóng” không ngừng chảy

Là phóng viên, tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, trong đó có không ít người là nạn nhân trong những vụ án gây bức xúc. Như một duyên tình cờ, trong những vụ việc đó, khi tôi làm cầu nối để hỗ trợ họ tới trình báo ở cơ quan công an, lần nào tôi cũng gặp được Thượng tá Ngô Minh An để cung cấp thông tin.

Ấn tượng ban đầu thực sự khó quên: Vị sĩ quan công an có dáng người tầm thước, hơi gầy, đôi mắt sáng luôn thể hiện nhiệt huyết cháy bỏng, khiến người đối diện như được truyền cảm hứng để làm tốt hơn công việc của mình.

Trong các vụ việc, khi tôi cung cấp thông tin, Thượng tá Ngô Minh An yêu cầu các chiến sĩ trực tiếp ngồi nghe để ghi nhận, và bản thân anh cũng lắng nghe, ghi chú và đặt vấn đề ngược lại nhằm làm sáng tỏ mọi chi tiết sự việc. Dù là ngày hay đêm, chỉ cần có đầu mối nào đặc biệt và được cấp báo, Thượng tá An sẽ lập tức nhấc máy và xử lý nhanh gọn.

Thượng tá Ngô Minh An luôn gây ấn tượng mạnh với người đối diện vì sự quyết tâm, nhiệt huyết trong công việc

Gần đây nhất, ở vụ án đối tượng Trần Xuân Công lừa đảo hàng loạt với hình thức đặt mua điện thoại đắt tiền qua internet, rồi vờ chuyển khoản tiền qua ngân hàng trực tuyến và chiếm đoạt, tôi đã gọi điện tới Thượng tá An lúc đồng hồ gần điểm 0 giờ.

Vừa nghe thông tin ban đầu, vị sĩ quan dày dặn kinh nghiệm mừng rỡ ở đầu máy: “Tốt quá! Anh em đang theo một vụ có thủ đoạn tương tự! Em có đầu mối thông tin nạn nhân thì chuyển qua để kết hợp luôn! Ngay ngày mai nhé!”.

Sáng hôm sau, khi tôi tới nơi và gõ cửa, bước vào phòng anh, tôi đã thực sự bất ngờ. Vì ngoài sự có mặt của Thượng tá An, một tổ trinh sát 7 người cũng đang chờ sẵn, để tiếp nhận thông tin chi tiết. Ngay sau đó, Thượng tá An chỉ đạo 2 mũi trinh sát tỏa đi các hướng để tiếp cận các nạn nhân, hướng dẫn làm đơn trình báo, đồng thời ráp nối những đoạn thông tin đã thu thập được với nhau, cũng như dùng biện pháp nghiệp vụ để xác minh nơi lẩn trốn của đối tượng.

Đối tượng Trần Xuân Công (đeo kính râm) bị cảnh sát mật phục bắt giữ

“Không được vội vã vì điều tra là phải khai thác đầy đủ dữ liệu ở các góc độ khác nhau, qua đó mới làm rõ được hành vi của đối tượng. Song cũng không được phép chần chừ, vì thêm một ngày đối tượng ở ngoài vòng pháp luật, là sẽ có thêm khả năng những người khác bị lừa”, Thượng tá An đã chia sẻ như vậy bên lề cuộc làm việc căng thẳng.

Cho tới khi Trần Xuân Công sa lưới, kết thúc chuỗi ngày theo sát dấu chân của đối tượng, vị Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao (nay là Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) của CATP Hà Nội mới thở phào đôi chút, rồi lại tiếp tục bắt tay vào những vụ án mới.

Có lẽ chính đối tượng Công cũng phải ấn tượng với vị sĩ quan đặc biệt này, bởi khi Công đang bị triệu tập về Cơ quan Điều tra (CATP Hà Nội), Thượng tá An đã gặp gỡ, ngồi trao đổi với đối tượng một cách thân tình: “Cháu còn trẻ, phải thực tâm nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa. Quan trọng là nhận ra sai lầm, chứ không phải mọi thứ đã khép lại!”.

Chứng kiến ánh mắt của Công khi đó, tôi tin rằng đối tượng này đã tiếp nhận từng lời từ tâm của vị sĩ quan cảnh sát, để giữ riêng cho mình trong những tháng ngày đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật sắp tới.

Khi “kẻ giang hồ” quay lại nói lời cảm ơn

Trước khi trở thành lãnh đạo đơn vị phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thượng tá Ngô Minh An đã có 23 năm làm điều tra trong lĩnh vực hình sự, các vụ trọng án, với vô số kỷ niệm và những ký ức khó quên.

Trong một vụ án cố ý gây thương tích vào năm 2003 ở quận Tây Hồ (Hà Nội), chỉ xuất phát từ mâu thuẫn trong công việc, hai nam nhân viên văn phòng đã thuê một đối tượng “có số má” chém dằn mặt đồng nghiệp.

Sau khi chém trọng thương nạn nhân, đối tượng nhanh chân tẩu thoát. Cơ quan công an vào cuộc điều tra, và những kẻ thủ ác lần lượt sa lưới. Thượng tá An trực tiếp tham gia điều tra vụ án khi đó, và nhận nhiệm vụ hỏi cung bị can.

Tại buổi thẩm vấn kẻ trực tiếp ra tay chém người, diễn biến không thuận lợi khi đối tượng hoặc phủ nhận hành vi, hoặc giữ im lặng. Đúng lúc đó, đối tượng nhận thông tin vợ mình khi đang tham gia giao thông thì để xảy ra va chạm, và bị giữ xe. Người phụ nữ này lại không mang theo giấy tờ nên càng gặp khó.

Là người rất yêu và lo cho vợ, đối tượng vô cùng bồn chồn, sốt ruột. Chứng kiến diễn biến sự việc như vậy, Thượng tá An đã cử cán bộ, chiến sĩ tới chỗ người vợ của đối tượng, để trấn an tinh thần và hỗ trợ mang giấy tờ xe đến cho chị.

Cảm kích trước hành động đó, đối tượng đã thành khẩn khai báo, và sau đó thụ án tù giam theo phán quyết của tòa án.

Trong cuộc sống thường ngày, Thượng tá An có thú vui đi bơi, tập xà và tạ, vì đây là những môn thể thao "chủ động". Do rất bận rộn nên anh khó tham gia các môn đòi hỏi có bạn chơi cùng, vì thời gian tập thể thao thường rất muộn hoặc rất sớm

Bẵng đi gần 15 năm, khi Thượng tá An hoàn toàn cất vụ án cũ vào dĩ vãng, thì tới một ngày giữa năm 2018, anh gặp một người tới nói lời… cảm ơn. Đó chính là người đã gây ra tội cố ý gây thương tích năm nào!

Người này đến chỉ đơn giản để bắt tay và nói lời cảm ơn đã cất giữ trong lòng từ gần 15 năm qua. Anh ta kể, khoảnh khắc được Thượng tá An hỗ trợ người thân, anh đã vô cùng xúc động vì cảm nhận được tình người mà vị sĩ quan công an này dành cho mình và gia đình. Sau đó, anh nhận thức rõ hành vi và đã cải tạo tốt, nên được giảm án tù.

Khi ra tù, đã vài lần anh ta nhìn thấy Thượng tá An song còn e ngại, chưa đủ tự tin bước tới nói lời cảm ơn. Chỉ khi tới giữa năm 2018, người này mới cảm thấy thực sự thoải mái và đã tới bày tỏ sự biết ơn chân thành với hành động đầy tính nhân văn năm xưa.

Hay trong vụ án giết người hồi năm 2000, thủ phạm là một người đàn ông nghiện ngập, nghèo khó, sống trong con ngõ bụi bặm ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội). Đối tượng này đang ngồi uống rượu với vài người bạn, thì bị chạm vào lòng tự ái khi các bạn rượu chê bai anh ta “già mà còn nghiện, sống vật vờ”, vậy là hai bên xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại.

Cao điểm là khi các bạn rượu ra tay đánh đập người đàn ông nghiện, khiến anh này bỏ chạy. Nhưng càng chạy, lại càng bị truy đuổi, đánh mạnh tay hơn. Tới gần khu chợ cóc, người này bị đánh ngã ngửa ra đường, gần một khe cột điện. Trong thế chấp chới, anh ta với tay vào khe và cầm được một vật “tưởng là gậy”, nhưng thực chất là cán của một con dao chọc tiết lợn...

Khi người bị đánh rút con dao ra khua khoắng chống trả, cũng là lúc những kẻ tấn công lao vào, và án mạng xảy ra…

Người đàn ông nghiện bị bắt giữ, và bị khởi tố ban đầu với tội danh Giết người.

Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Thượng tá Ngô Minh An đã xem xét kỹ lưỡng các yếu tố, từ thu thập thêm chứng cứ, dựng lại hiện trường, mở rộng khai thác nhân chứng… Sau khi làm tỉ mỉ các bước, Thượng tá An đã đề xuất thay đổi tội danh khởi tố đối với người đàn ông nghiện đó, từ “Giết người” sang “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, vì nó đúng với bản chất sự việc.

“Khi làm kỹ từng chi tiết, tôi nhận thấy khu vực đối tượng nhặt dao là chợ cóc. Ở đó có nhiều sạp bán thịt lợn, và các chủ sạp có thói quen giấu dao vào các khe hàng khi đi về, để không phải cất nhiều đồ. Kết hợp với các thông tin từ nhân chứng và quá trình dựng lại hiện trường, có thể khẳng định lời khai của đối tượng là đúng, khi anh ta nhặt được dao ở gần cột điện, chứ không phải thủ dao bên mình. Và hành vi vung dao được thực hiện khi người này đang bị 2, 3 người khác tấn công dữ dội”, Thượng tá Ngô Minh An nhớ lại.

Vậy là đối tượng nghiện ngập có gia cảnh khốn khó đã bị khởi tố đúng tội danh, và chịu đúng hình phạt mà pháp luật quy định. Còn sĩ quan điều tra Ngô Minh An khi đó cảm thấy nhẹ lòng, vì đã làm hết mình để khởi tố đúng người, đúng tội.

Chia sẻ về nghề điều tra của mình, Thượng tá An nói rằng, anh luôn tin tưởng có những điểm sáng nhất định trong mỗi con người, kể cả khi đó là những tên tội phạm khét tiếng với tội lỗi khó tưởng tượng. “Nhiệm vụ của mình là phải kích được điểm sáng đó lên, để cải tạo, thay đổi nhận thức và suy nghĩ của họ. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ai đó chỉ mang trong tâm hồn một màu đen tối duy nhất”, Thượng tá Ngô Minh An đúc rút như thế khi nhìn lại quãng đường điều tra mà anh đã đi qua.

Khi những dòng chữ trên chưa được viết ra, Thượng tá An nói với tôi: “Còn rất nhiều đồng nghiệp khác giỏi và lập được chiến công. Em nên tìm người khác!”.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với sự “máu lửa” mà anh thể hiện hằng ngày trong công việc. Nhưng cuối cùng, tôi đã thuyết phục được anh kể lại những ấn tượng trong suốt 23 năm làm nghề của mình. “Là một người yêu nghề, em không thể không viết về anh, vì em tìm thấy sự đồng cảm trong nhiệt huyết làm nghề của anh! Đó là nhiệt huyết có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ!”, tôi đã nói như thế để được Thượng tá Ngô Minh An gật đầu đồng ý chia sẻ.