Hà Nội:

Chuyện ăn uống, xây nhà, phòng cháy làm nóng kỳ họp Hội đồng Nhân dân

ANTD.VN - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày làm việc thứ ba tại kỳ họp HĐND TP, nhóm vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC), an toàn thực phẩm và quản lý trật tự đô thị tiếp tục giành được sự quan tâm của đông đảo đại biểu với 70 câu hỏi trực tiếp từ nghị trường.  

Đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ cháy quán karaoke

Tại phiên chất vấn sáng 7-12, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) đặt vấn đề, kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có nhiều điều kiện về PCCC, an ninh trật tự... Qua việc xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, ngoài chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về những sai phạm của mình thì các đơn vị liên quan như Cảnh sát PCCC, Văn hóa - Thể Thao... đã xử lý như thế nào?

Chuyện ăn uống, xây nhà, phòng cháy làm nóng kỳ họp Hội đồng Nhân dân ảnh 1

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”, đảm bảo hiệu quả chất lượng hơn

ĐB Phạm Thị Thanh Mai, (tổ Đông Anh) cho rằng, người dân chưa yên tâm với thực trạng PCCC vừa qua. “Tôi lo ngại việc tác nghiệp của các cơ quan chuyên môn còn hạn chế trong PCCC, trách nhiệm này đến đâu?”, ĐB Phạm Thị Thanh Mai đặt vấn đề. 

Trả lời các đại biểu, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biế

t, hiện nay, trên toàn thành phố có 1.317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó đã được cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự 1.234 cơ sở. Năm 2016, đã thu hồi 50 giấy phép kinh doanh có điều kiện, xử phạt 367 triệu đồng.

Cơ sở karaoke 68 ở Trần Thái Tông, Cầu Giấy đang trong quá trình xin cấp phép, cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ. Thực tế, cơ quan chức năng đã kiểm tra và nhắc nhở không được hoạt động nhưng quán karaoke vẫn lén lút hoạt động.

Chuyện ăn uống, xây nhà, phòng cháy làm nóng kỳ họp Hội đồng Nhân dân ảnh 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố xử lý rất cương quyết với các đối tượng vi phạm về trật tự xây dựng

“Chúng tôi đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân. CAQ Cầu Giấy đã 3 lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động, yêu cầu cơ sở này không được hoạt động khi chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình. Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ.

Còn Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động thông tin, sau vụ hỏa hoạn tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Sở đã họp kiểm điểm Phòng Quản lý văn hóa và lực lượng Thanh tra Sở nghiêm túc theo đúng quy định, chỉ ra trách nhiệm của Đảng ủy, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở đến các Phòng liên quan, đặc biệt kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân phụ trách địa bàn. “Đây là thiếu sót của ngành, chúng tôi rút ra bài học rất quan trọng trong công tác quản lý một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, ngành”, ông Tô Văn Động cho hay.

Liên quan đến trách nhiệm chính trong công tác PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định: “Sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, kiểm điểm khiển trách đối với đồng chí Trưởng phòng PCCC số 3 và đồng chí Đội phó phụ trách kiểm tra hướng dẫn, đồng chí phụ trách địa bàn cơ sở. Năm 2016, PCCC có nhiều cố gắng, nhưng chúng tôi cũng tự xin rút các danh hiệu thi đua cuối năm từ  Bằng khen, Giấy khen của tập thể, cá nhân”.

Về trách nhiệm năng lực chuyên môn, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã hoạt động được 5 năm nhưng do xuất phát điểm thấp nên đa số các đơn vị đều ở nhà tạm, nhà thuê, chưa có xây dựng quy mô, cơ bản, điều kiện tập luyện phụ thuộc vào đi thuê, mượn. Bên cạnh đó, lực lượng có tiến bộ nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế. Do đó, phương châm xây dựng lực lượng trong năm tới là xây dựng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, chứ chưa dám vươn đến tiêu chí tinh nhuệ.

1.000 cán bộ bảo vệ thực vật, thú y cơ sở làm gì?

Vấn đề VSATTP cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, nhất là việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm soát nguồn gốc rau, quả trên địa bàn thành phố. ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ Đông Anh) đặt vấn đề, thành phố rất quan tâm đầu tư khâu sản xuất, xây dựng các vùng rau an toàn nhưng đến nay tỷ lệ rau an toàn của thành phố còn quá ít.

Chuyện ăn uống, xây nhà, phòng cháy làm nóng kỳ họp Hội đồng Nhân dân ảnh 3Phần nóc công trình xây dựng tại 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội bị phá dỡ vì vi phạm

ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng, toàn thành phố có hơn 1.000 cán bộ, viên chức phụ trách bảo vệ thực vật, thú y cấp cơ sở, nhưng dường như không có hiệu quả. Có nên chăng giải tán lực lượng này? “Báo cáo của Sở Y tế, Sở NN&PTNT toàn màu hồng nhưng thực tế người dân không tin là như thế. Chúng tôi vẫn phát hiện tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng, thuốc kích thích và rõ ràng có tình trạng trồng rau ăn riêng, rau bán riêng”, ĐB Nguyễn Hoài Nam chất vấn.

Trả lời về vấn đề này, ông  Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở này đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện liên quan kiểm tra, kiểm soát về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2016 đã xây dựng được 33 chuỗi liên kết ATTP có nguồn gốc thực vật; đã kiểm tra 110/198 cơ sở sản xuất, sơ chế, lấy 830 mẫu rau kiểm tra, trong đó phát hiện 11 mẫu có dư lượng thuốc vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép.

“Lực lượng cán bộ bảo vệ thực vật là kiểm soát đầu vào tại khu vực sản xuất rau an toàn, hướng dẫn các hộ làm đúng theo quy trình; còn lực lượng thú y ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm còn kiểm soát vệ sinh thú y, kiểm tra các cơ sở sản xuất không đảm bảo trên địa bàn mình phụ trách”, ông Chu Phú Mỹ cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề đảm bảo ATTP, nhiều đại biểu đặt vấn đề kiểm soát giết mổ và thực phẩm sửa lại “đát” để bán cho người tiêu dùng. Ông Chu Phú Mỹ thông tin, trên địa bàn thành phố có 4/7 cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động đạt công suất 15-30%, 13/15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp hoạt động nhưng không hết công suất, đặc biệt còn 1.050 điểm giết mổ nhỏ lẻ, toàn bộ chưa đợc quản lý về giết mổ, vệ sinh thú y. Để kiểm soát vệ sinh trong giết mổ, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị thành phố sớm xây dựng các điểm giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc  Sở Công Thương thừa nhận: “Có hiện tượng nhập khẩu thực phẩm gần hết “đát” từ các nước về. Hiện tại, luật pháp cho phép kiểm tra trên bình diện nguồn gốc, xuất xứ trên giấy tờ, còn khi họ đã cố tình vi phạm, tẩy xóa “đát” thì phải đưa lực lượng vào, lấy sản phẩm mang đi xét nghiệm thì mới xử lý được”.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Giám đốc Sở NN&PTNT chưa trả lời được vấn đề mà các đại biểu đưa ra. Theo đó, HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành rà soát lại các đề án, quy hoạch trong lĩnh vực rau an toàn, giết mổ gia súc gia cầm; xem đề án, quy hoạch nào không còn khả năng thực hiện thì thay đổi. Đặc biệt, cần phải có giải pháp quản lý giết mổ nhỏ lẻ, trong kỳ họp sau, nếu vấn đề này vẫn chưa được xử lý, HĐND TP sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.

Nghiêm khắc với vi phạm trật tự xây dựng

Lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu tại phiên chất vấn. Nhiều ý kiến cho rằng, vi phạm trật tự trong quản lý đô thị vẫn rất nhức nhối. Số vụ vi phạm không được kiểm soát, xử lý mà còn phát sinh thêm nhiều vụ vi phạm mới.

Hơn nữa, nếu chỉ xử lý vi phạm hành chính với chủ đầu tư mà không xem xét trách nhiệm của các sở, ngành cũng như chính quyền sở tại thì “căn bệnh kinh niên” này không bao giờ hết. Thậm chí, còn tồn tại thực trạng, các chủ đầu tư cứ cố tình xây dựng vi phạm, sau đó cơ quan Nhà nước xử phạt rồi “hợp thức hóa”.

Vấn đề sản xuất, xây dựng các vùng rau an toàn trong thời gian qua được Hà Nội rất quan tâm

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, vấn đề quản lý đô thị, trật tự xây dựng, trật tự giao thông trong 3 năm thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” chuyển biến chậm, vi phạm xây dựng tăng theo từng năm trong khi việc xử lý rất chậm gây bức xúc trong nhân dân. “Đề nghị UBND tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”, đảm bảo hiệu quả chất lượng hơn”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị hiện đang diễn ra nghiêm trọng và nhức nhối, nhiều cử tri tâm tư. Nhận thức được vấn đề này, vừa qua, thành phố đã quyết định chuyển giao lực lượng thanh tra xây dựng chuyển về cấp quận, huyện quản lý; quy trách nhiệm cho Chủ tịch quận, huyện, phường, xã cùng với lực lượng thanh tra xây dựng, hy vọng trong thời gian tới sẽ kiểm soát tốt hơn, hạn chế vi phạm.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời gian qua, thành phố xử lý rất cương quyết với các đối tượng vi phạm về trật tự xây dựng. Vừa qua, một số trường hợp đã đề nghị chuyển Cơ quan điều tra, truy tố để xử lý làm gương, tạo sự răn đe.

Còn trong lĩnh vực quản lý ATTP, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố cũng rất quan tâm và hướng trọng tâm vào 2 vấn đề: kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và kiểm duyệt toàn bộ quá trình từ nuôi trồng, sản xuất đến phân phối, lưu thông trên thị trường. Toàn bộ quá trình này phải theo một quy trình, thành phố sẽ sớm ban hành lộ trình, từ nay đến 2020 phải làm gì để từng bước kiểm soát được VSATTP.