Chúng tôi là... nữ đặc nhiệm

ANTĐ - Một trung đội nữ đặc nhiệm đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam vừa được thành lập, đánh dấu một bước trưởng thành mới của lực lượng nữ CAND. Trong cái nắng hanh hao cuối tháng 10, chúng tôi đến Kiều Mai, Phú Diễn, Hà Nội để xem 30 bông hoa “thép” đang rèn luyện  để ngày mai trở thành người lính đặc nhiệm.

Nhận diện trung đội nữ

Chiến sỹ trong trung đội là 30 cô gái vừa tốt nghiệp trường Trung cấp cảnh sát vũ trang T45. Khoác lên mình bộ áo xanh với quân hàm trung sỹ, các em là lứa nữ đặc nhiệm đầu tiên được đào tạo bài bản từ một trường nghiệp vụ của Bộ Công an. Mỗi người một tính cách, người sôi nổi, người trầm tĩnh nhưng đều chung một chí hướng - trở thành những người lính đặc nhiệm thực thụ.

Nghe đồng chí trực ban “chỉ điểm” - các cô gái đang tập điều lệnh, chúng tôi liền “bí mật thâm nhập thực địa”, không qua chỉ huy tiểu đoàn. Vừa dừng xe, thấy người lạ, cả trung đội đã lao xao. Khi nhìn thấy chúng tôi cầm máy ảnh, nghe rõ tiếng các cô cười vang: “Nhà báo đến, tiếc quá, hôm nay không trang điểm xinh đẹp để còn lên báo”. Nhìn các em hồn nhiên, trong trẻo đến lạ thường, vậy mà biết đâu, mai kia thôi lại trở thành những khắc tinh của tội phạm.

Tập hợp đúng điều lệnh, trung đội trưởng nhường cho chúng tôi trò chuyện với các em. Không khí sôi nổi hẳn lên khi tôi hỏi, tại sao lại chọn con đường nhiều chông gai này. Nhiều em vô tư trả lời, vì chúng em mê phim hình sự. Hình ảnh người nữ đặc nhiệm, nữ trinh sát khỏe khoắn, dũng mãnh, nhưng không kém phần duyên dáng, xinh đẹp đã dễ dàng vượt qua sự nghi ngờ của bọn tội phạm để hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành hình mẫu lý tưởng của các cô gái đặc nhiệm.

Cũng có em bố mẹ công tác trong lực lượng công an như Đoàn Thị Linh, quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh; Đỗ Như Quỳnh, Hà Đông, Hà Nội nên các cô chọn con đường đi tiếp bước cha anh với bộ sắc phục mang màu của đêm. Mai Thu Trang đến từ Phù Yên, Sơn La là một cô gái khá xinh xắn. Nếu như không thấy em trong bộ sắc phục và đang đứng trong hàng ngũ của những người chiến sĩ mà nhìn thấy em ở ngoài đời nhiều người sẽ nghĩ đến diễn viên của những bộ phim  truyền hình. Thu Trang ít nói, gặng mãi cô mới chia sẻ lý do mình đến với cảnh sát đặc nhiệm là do cô thích… bắn súng. Phù Yên quê hương cô không phải tụ điểm ma túy Tây Bắc như Mộc Châu, Na Ư của Điện Biên hay Hang Kia của Hòa Bình nhưng cô vẫn muốn trở thành một người lính giữ bình yên cuộc sống.

Đoàn Thị Linh có lẽ là cô bé lém lỉnh nhất trung đội. Bố làm công an ở Bắc Giang, nhưng mẹ buôn bán nhỏ ở Cẩm Phả, nên Linh sống ở Quảng Ninh với mẹ. Tốt nghiệp cấp III, Linh thi vào Học viện Cảnh sát nhưng chưa đủ điểm, cô vẫn quyết theo nghề mình chọn, dù biết vất vả nhưng Linh vẫn đăng ký vào Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Linh sống sôi nổi, vui tươi, luôn trêu đùa mọi người. Tôi cứ cười mãi khi Linh không chịu chụp ảnh đưa lên báo dù Linh đã hứa trước đồng đội “nếu được lên báo, sẽ khao cả trung đội ăn kem thoải mái”.

Không giống như Linh, Lê Thị Kiều Oanh quê Tiên Lữ, Hưng Yên không phải con nhà nòi. Bố mẹ là nông dân, Oanh có nước da rắn rỏi của cô con gái vùng châu thổ sông Hồng. Ở Oanh, người đối thoại bắt gặp một niềm yêu nghề thực sự. Cô tha thiết trở thành một người lính dù biết phía trước là hiểm nguy. Oanh tâm sự: Vất vả, khó khăn mọi thứ dần rồi sẽ quen hết. Chúng em đã có 2 năm ở trường Trung học Cảnh sát vũ trang và đã xác định tư tưởng là theo nghề đến cùng.

Đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nơi xa nhất về phương Nam là Hà Tĩnh, về phương Bắc là Móng Cái, Quảng Ninh, sống tập trung trong một tiểu đoàn toàn nam giới. “Sự hiện diện của các em, trung đội nữ đặc nhiệm đầu tiên, đã làm đơn vị mềm đi, thi vị hơn và thấy cuộc sống tràn đầy những màu sắc mới” - đó là chia sẻ của Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Trần Bảo Chiến về sự thay đổi khi có thêm trung đội nữ đặc nhiệm đầu tiên.

Chỉ huy của... phái nữ

Thực hiện chỉ thị của Bộ Công an về xây dựng đề án trung đội nữ đặc nhiệm, từ tháng 9, Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 đã bắt đầu chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở cho 30 chiến sỹ nữ tốt nghiệp từ trường T45. Về nhận nhiệm vụ tại một đơn vị mới, biết các em sẽ bỡ ngỡ nên tiểu đoàn phải tuyển lựa ngay một đồng chí nam trung đội trưởng. Trung úy Vũ Đình Lập chính là người được tin tưởng giao nhiệm vụ. Anh vốn tốt nghiệp trường sỹ quan Lục quân. Khi nhận nhiệm vụ về tiểu đoàn, anh đã quá quen với các lớp huấn luyện các đồng chí nam. Sau một thời gian dài làm công tác huấn luyện, anh được điều động làm đội phó đội tham mưu của tiểu đoàn. Anh Lập nói vui: Chọn tôi làm trung đội trưởng vì tôi hiền, dễ bị nữ chiến sỹ bắt nạt. Nhưng hỏi các nữ chiến sỹ mới biết, anh Lập không dễ bị bắt nạt mà ở anh, là sự nghiêm túc trong công việc, là sự thông cảm với những khó khăn vất vả của nữ chiến sỹ trong luyện tập, là sự chan hòa cởi mở trong cuộc sống thường ngày. P

hối hợp cùng anh trong quản lý trung đội là 2 đồng chí nữ, một là cán bộ quân y của tiểu đoàn, một là cán bộ trung tâm huấn luyện của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Anh Lập nói với chúng tôi: Lúc ban đầu về đây, nhiều em cũng bất ngờ vì việc phải ăn ở tập trung, việc tập luyện tăng lên gấp bội. Sống trong một đơn vị “quân lệnh như sơn”, mọi sinh hoạt phải theo đúng giờ giấc, ngày 20-10 vừa qua, một số đồng chí có hộ khẩu các tỉnh xung quanh Hà Nội được giải quyết cho về nhà một đêm, sau đó, toàn đơn vị cấm trại 100% quân số để trực bảo vệ Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tổ chức tại Việt Nam. Trung đội đặc nhiệm nữ ra đời đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm nữ.

Trong quá trình bắt, khám xét, về nguyên tắc, nam CBCS công an không được khám người đối tượng nữ, rất khó khăn trong quá trình điều tra. Có thêm lực lượng này, công việc đó sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. Thành lập trung đội nữ cảnh sát đặc nhiệm cũng để đơn vị nam tính này dễ dàng giao lưu với các lực lượng đồng nghiệp khác.

Và những ước mơ

Thật ngạc nhiên khi Lê Thị Kiều Oanh nói ước mơ của mình là sẽ trở thành nữ tướng đầu tiên của ngành công an. Bùi Thị Bích Phương - cô gái có cái tên của một cựu hoa hậu đến từ Đông Hưng, Thái Bình thì ước mơ sẽ ghi dấu ấn của mình vào lịch sử ngành trong vai trò của nữ cảnh sát đặc nhiệm ở một chiến công nào đó. Đỗ Như Quỳnh thì có ước mơ giản dị hơn, trở thành một chiến sỹ công an giỏi, vững vàng trên mọi trận tuyến… Nhiều lắm những ước mơ rất đỗi thân thương, rất hồn nhiên nhưng cũng thể hiện ý chí rắn rỏi của những người chiến sĩ - một nét riêng của  những nữ đặc nhiệm.

Nhiệm vụ của Tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 là thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để trấn áp kịp thời các loại tội phạm khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin và phối hợp truy bắt các đối tượng phạm tội nguy hiểm theo lệnh của Bộ Công an và Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động. Trung đội nữ mới được thành lập, sau 6 đến 9 tháng huấn luyện cũng sẽ đảm đương nhiệm vụ đó như những đồng đội nam giới của mình. Chia sẻ về ước mơ với trung đội nữ, Thiếu tá Trần Bảo Chiến cũng mong, sau thời gian huấn luyện, các chiến sỹ nữ “mỏng mày hay hạt kia” sẽ rẳn rỏi hơn nhờ nắng gió thao trường, trở thành những nữ chiến sỹ đặc nhiệm thực thụ.