40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc:

"Chúng ta có quyền tự hào về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc"

ANTD.VN - Rạng sáng 17-2-1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới Việt Nam mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Là một trong những người tham gia cuộc chiến đấu này, dù đã 40 năm trôi qua, luật sư Bùi Sinh Quyền - Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư Hà Nội vẫn không thể nào quên những ngày tháng đó.  

"Chúng ta có quyền tự hào về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc" ảnh 1Luật sư Bùi Sinh Quyền và Đoàn cán bộ Công an Hà Nội tăng cường cho biên giới Lạng Sơn năm 1978

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi vùng cao biên giới

Luật sư Bùi Sinh Quyền sinh năm 1948 tại xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Tháng 9-1966, ông bắt đầu học nghiệp vụ tại Trường đào tạo Công an Trung ương ở Bất Bạt, Hà Tây. Sau khi kết thúc khóa học, ông được phân công về Đội cầu phà làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng cho xe các tuyến qua Hà Nội vận chuyển hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước.

Đến năm 1978 khi đang học dở dang năm thứ 3 trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, biên giới phía Bắc bắt đầu trở nên nóng bỏng. Gác lại ước mơ học hành, thanh niên Bùi Sinh Quyền xung phong lên biên giới Lạng Sơn cùng 60 đồng chí, để lại người vợ trẻ và 2 con thơ tại quê nhà. 

Tại Lạng Sơn, ông được tăng cường về bản Ngà - vùng đệm biên giới thuộc huyện Cao Lộc, cách biên giới khoảng 20km. Ông và đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ an ninh và triển khai khoán theo Nghị quyết 10, qua đó sàng lọc, làm trong sạch nội bộ, trong sạch địa bàn từ thôn, xã, huyện đến tỉnh.

Đó là quãng thời gian khó khăn, vất vả nhất đối với cuộc đời Bùi Sinh Quyền. Tình hình biên giới ngày càng trở nên căng thẳng. Do dân cư địa bàn xã vô cùng thưa thớt, giao thông khó khăn, nên muốn đi từ bản này sang bản khác các cán bộ chiến sỹ phải mất cả ngày đường. 

Trong khi đó, bọn phản động tìm mọi cách truy bắt cán bộ tăng cường, thậm chí treo giải mỗi đồng chí công an giá nhiều nghìn nhân dân tệ nên ban ngày, ông Quyền cùng đồng đội nương náu ở nhà này, nhưng đêm xuống lại phải bí mật di chuyển đến nhà khác ngủ nhờ, tránh bị bắt cóc, sát hại.  

Hàng ngày pháo từ bên kia bên giới liên tục bắn vào bản, tính mạng các cán bộ tăng cường lúc nào cũng trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.  Không chỉ có vậy, ông cùng đồng đội còn phải cầm cự trong cảnh thiếu đói triền miên. Lương thực được phân theo tiêu chuẩn không đủ ăn nên tất cả mọi người phải ăn ngô, sắn thay cơm. Tuy vậy, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, chủ trương “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học) vẫn được các chiến sỹ thực hiện triệt để.

"Chúng ta có quyền tự hào về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc" ảnh 2Vợ chồng Luật sư Bùi Sinh Quyền tại Lạng Sơn năm 1999

Những hy sinh đã hóa thành bất tử

May mắn được một gia đình đồng bào dân tộc Nùng tốt bụng cưu mang, hàng ngày ông Bùi Sinh Quyền làm việc nhà giúp đỡ họ, theo họ lên nương trồng sắn, tỉa ngô, đồng thời làm công tác dân vận, thu thập thông tin. Nhờ vậy, ông nắm bắt khá kịp thời, chính xác tình hình biến động của người Hoa, người Việt thường qua lại khu vực biên giới để xử lý, truyền tin về huyện, tỉnh.

Trong quá trình công tác tại các xã biên giới, một trong những trở ngại của các cán bộ tăng cường là sự khác biệt về phong tục tập quán của người dân bản địa. 

“Một hôm khi trời đã tối, anh em đành ghé tạm vào ngôi nhà trống không vì gia đình đã đi sơ tán hết. Do muỗi quá nhiều, một cán bộ thắp hương lên bàn thờ để xua muỗi. Ngay sau đó, chủ nhà quay về thấy người khác tự ý thắp hương nên rất tức giận, lập tức chĩa súng về phía những người có mặt. May mắn thay trong đoàn có 1 người biết vài câu tiếng dân tộc đã vội vàng giải thích nên mâu thuẫn mới được hóa giải. Đến lúc đó, mọi người đều thở phào” - ông Quyền nhớ lại.

Với người thanh niên Bùi Sinh Quyền và các đồng chí khác, ngày 17-2-1979 là mốc thời gian không thể nào quên, bởi đó là ngày tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Toàn dân ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. 

Do bị địch đột ngột tấn công, Bùi Sinh Quyền và đồng đội phải nhanh chóng lùi về Đồng Mỏ. Tại đây, lực lượng được tập hợp lại, mọi công tác tìm kiếm thương binh, liệt sỹ, khắc phục hậu quả được khẩn trương tiến hành. Trong số 60 cán bộ tăng cường lên Lạng Sơn, một đồng chí đã anh dũng ngã xuống. Đó là liệt sỹ Trần Hồng Suốt - nguyên Phó Trưởng Công an phường 12 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đồng thời là Phó Trưởng đồn công an Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Dù rất đau xót, mệt mỏi nhưng các cán bộ chiến sỹ vẫn quyết tâm bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình, cấp phát lương thực, thực phẩm cho đồng bào. Hai tháng sau, tình hình mới ổn định trở lại. Ông Quyền được phân công làm Chánh Văn phòng Đảng ủy - Công an tỉnh Lạng Sơn, Thường vụ Tỉnh đoàn Lạng Sơn. Sau đó, ông đã cùng các phòng, ban liên quan làm thủ tục đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho một đại đội thuộc Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu với kẻ thù tháng 2-1979. Bên cạnh đó, 5 chiến sỹ được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang ngày ấy đều là con em đồng bào dân tộc ít người, thông thuộc địa hình và rất dũng cảm trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của địch. 

Dẫu biết chiến tranh là phải đối diện với mất mát, chia lìa và sự hy sinh cho Tổ quốc cũng là nỗi đau vinh quang, nhưng mỗi năm đến dịp này, lòng luật sư Bùi Sinh Quyền lại quặn thắt. “Với tôi và những người đồng chí đã có mặt trong cuộc chiến, đây là cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta có quyền tự hào về điều này, đồng thời phải có hành động tri ân xứng đáng đối với những người đã ngã xuống” - luật sư Bùi Sinh Quyền chia sẻ.