Chuẩn nào để “nói không với đào tạo không đạt chuẩn”?
(ANTĐ) - Trước sự phàn nàn về chất lượng đầu ra của các trường đại học, cao đẳng trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phải yêu cầu các trường “nói không” với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là thế nào là chuẩn và làm thế nào để đạt chuẩn? Trong khi các trường đại học đang đi tìm lời giải thì những cử nhân vẫn đang “xếp hàng” chờ ra trường trước những lời kêu ca phàn nàn về những “sản phẩm” chưa hoàn hảo.
Chỉ đáp ứng được 10% yêu cầu đào tạo nhân lực của doanh nghiệp?
Đánh giá về chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện tại chương trình đào tạo cho từng bậc học vẫn rất chung chung, nhiều kiến thức trùng lặp trong quá trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ... gây lãng phí thời gian, tiền của. Điều này cho thấy sự thiếu chuẩn mực trong xây dựng chương trình đào tạo các trường đại học chứ chưa nói đến trình độ đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất. Được biết, Bộ GD-ĐT vừa ký kết với Intel về cung ứng nhân lực cho công ty này. Tuy nhiên, Intel yêu cầu phải để doanh nghiệp này khảo sát thực tế xem các trường đại học Việt Nam tham gia đào tạo nhân lực cho Intel có đảm bảo yêu cầu của họ về giáo trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất hay không. Kết quả khảo sát ban đầu tại trường đại học Bách khoa Đà Nẵng thì trường này chỉ đạt 10% yêu cầu. Cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, một số trường đại học có uy tín trong nước được Bộ GD-ĐT giao thí điểm áp dụng chương trình tiên tiến của các trường đại học nước ngoài. Việc này hóa ra vô cùng khó khăn khi nhiều trường nước ngoài từ chối hợp tác vì cơ sở vật chất các trường đại học của ta quá yếu. PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trường đã liên hệ với rất nhiều đối tác nhưng đều bị từ chối chỉ vì... điều kiện cơ sở vật chất của Bách khoa không đáp ứng được yêu cầu. ĐH Bách khoa vẫn được đánh giá là trường thuộc tốp đầu của giáo dục ĐH Việt Nam còn bị từ chối vì cơ sở vật chất thì không biết những trường khác còn khó khăn đến đâu?
Nhiều trường đại học trong nước vẫn đang thả lỏng đầu ra |
Xây dựng chuẩn đào tạo như thế nào?
Theo tiêu chí đào tạo chuẩn của Bộ GD-ĐT, một sinh viên tốt nghiệp mà không đủ năng lực chuyên môn để hành nghề, thiếu năng động, thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu kỹ năng giao tiếp, khó thích nghi với môi trường lao động... thì có nghĩa là không đạt chuẩn. Còn những trường đại học, cao đẳng không đạt chuẩn tức là không đạt các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên trên số sinh viên vượt quá quy định, tỷ lệ giảng viên có chức danh PGS, GS, trình độ thạc sỹ, tiến sỹ thấp, chương trình đào tạo lạc hậu, không cập nhật, thiếu liên thông, không phù hợp thực tế... Tuy nhiên đây mới chỉ là tiêu chí nói chung, còn cụ thể thế nào là chuẩn thì các trường vẫn đang lúng túng và tỏ ra khá lo lắng khi mỗi trường, mỗi địa phương có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nay quy về một chuẩn thì khó khăn sẽ rơi vào những trường nhỏ, ít được đầu tư, chất lượng đầu vào thấp... Ông Nguyễn Văn Lê - Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Bộ GD-ĐT giao các trường có uy tín xây dựng các chuẩn để các trường khác lấy đó làm cơ sở đào tạo. Như thế thì làm sao mà các trường theo được, mỗi trường có một đặc thù riêng chứ”. Ngược lại với ý kiến trên, ông Phạm Ngọc Quý - Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, lại thắc mắc, nếu để “chuẩn” do từng trường tự xác định thì mỗi trường có ngành đào tạo, cấp học khác nhau, làm sao để sinh viên ra trường bảo đảm chất lượng như nhau.
Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Quý cũng nêu ví dụ về khó khăn nảy sinh từ thực tế là sinh viên ngành thủy lợi tốt nghiệp nhưng không chịu về những nơi xa xôi làm việc, còn nếu để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ cho các địa phương thì chất lượng đào tạo không thể theo đúng chuẩn vì chất lượng đầu vào thấp, không có điều kiện đầu tư thời gian, cơ sở vật chất... Trong khi đó, những trường thuộc tốp đầu thì lại đưa ra những yêu cầu khá cao về chuẩn. GS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐH Quốc gia lại đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải chỉ ra được chuẩn trong các trường, ngành học và mỗi bộ môn, là chuẩn quốc tế, khu vực hay quốc gia, từ đó mới có thể nói là có đào tạo được theo “chuẩn” hay không?
Vinh Hương