Chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội toàn dân

(ANTĐ) - Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, lần đầu tiên diễn ra trong cùng một ngày (chủ nhật, 22-5 tới), hôm qua 10-2, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử.

Chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội toàn dân

(ANTĐ) - Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, lần đầu tiên diễn ra trong cùng một ngày (chủ nhật, 22-5 tới), hôm qua 10-2, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử.

Ngày bầu cử duy nhất: 22-5-2011

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử nêu rõ, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 sẽ được tổ chức trong một ngày: Chủ nhật, 22-5-2011. Theo Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đã được Hội đồng bầu cử Trung ương thông qua, thể thức bỏ phiếu diễn ra từ 7h sáng tới 19h cùng ngày. Song, tùy tình hình địa phương, thời gian bỏ phiếu có thể sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng và không kết thúc muộn hơn 22h cùng ngày.

Tới nay, đa số các văn bản hướng dẫn phục vụ bầu cử đều đã được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2011. Hội đồng bầu cử cũng thành lập 3 tiểu ban giúp việc giải quyết các vấn đề khiếu nại tố cáo về bầu cử; chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và tuyên truyền. Dự kiến, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH sẽ diễn ra vào ngày 26-2-2011, tức 85 ngày trước ngày bầu cử. Các hội nghị hiệp thương lần hai và ba sẽ diễn ra trong khoảng 60 ngày và 35 ngày trước ngày bầu cử. Sau quá trình nhận, xem xét hồ sơ, Hội đồng bầu cử sẽ lập và công bố danh sách những người ứng cử 25 ngày trước ngày bầu cử. Hội đồng bầu cử cũng sẽ công bố kết quả bầu cử ĐBQH.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh, về tiêu chuẩn chung, ĐBQH khóa XIII phải là những người có đủ tiêu chuẩn theo luật định, coi trọng lòng yêu nước, sự trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, hội đủ tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ, năng lực thực tiễn, bản thân và gia đình gương mẫu, được nhân dân tín nhiệm.

Về độ tuổi, với ĐBQH chuyên trách Trung ương, trên 50% những người được bầu lần đầu phải đủ tuổi tham gia hai nhiệm kỳ trở lên, số còn lại phải đủ tuổi tham gia trọn một nhiệm kỳ (sinh từ tháng 5-1956 trở lại đây). ĐBQH chuyên trách địa phương phải đủ tuổi tham gia một nhiệm kỳ.

Băn khoăn về cơ cấu

Thảo luận về các văn bản hướng dẫn, một số địa phương bày tỏ băn khoăn về khả năng khó hoàn thành cơ cấu ĐB trẻ, nữ, ngoài Đảng... Có ý kiến đề nghị tăng thêm số ĐB chuyên trách. ĐB đến từ tỉnh Gia Lai kiến nghị: “Nên tăng số ĐB HĐND thuộc đơn vị bầu cử là thành phố trực thuộc tỉnh. Các thành phố này có quy mô dân có khi gấp 10 lần huyện cùng tỉnh mà số ĐB như nhau e chưa hợp lý...”. ĐB Đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị: “Quy định có nêu người tự ứng cử có thể ủy quyền người khác tới dự tiếp xúc cử tri trong trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng. Cần làm rõ cơ sở pháp lý xung quanh vấn đề này?”.

Trao đổi với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, đạt được đúng cơ cấu như yêu cầu là khó. Trưởng Ban Công tác ĐB của UBTVQH Phạm Minh Tuyên cũng chia sẻ: “Cơ cấu đúng là khó thực hiện nhưng không phải bây giờ mới khó mà các nhiệm kỳ trước đều như vậy”. Về việc ủy quyền dự tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn băn khoăn: “Người tự ứng cử phải cố gắng sắp xếp thời gian để trực tiếp dự tiếp xúc cử tri, nếu ủy quyền e không ổn...”. Đại diện MTTQ Việt Nam cho biết thêm: “Vấn đề ủy quyền đã có từ khóa trước. Nếu tâm huyết với dân, không ai vắng mặt ở buổi tiếp xúc cử tri. Nếu vắng không có lý do chính đáng, người dân cũng sẽ không giới thiệu người đó...”.

Chú trọng chất lượng

Nhấn mạnh cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 là sự kiện trọng đại của năm 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu ra 8 nhóm yêu cầu đối với các địa phương và cơ quan liên quan. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị nhân sự, đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, kết hợp hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Đặc biệt, không nên quá chú trọng cơ cấu mà quên vấn đề chất lượng ĐB. Ông nói: “ĐBQH, ĐB HĐND muốn giám sát công việc của Chính phủ hay UBND cùng cấp không dễ, phải có đủ năng lực, trí tuệ, trình độ mới làm tốt được...”. Tuy vậy, cũng không nên lơ là cơ cấu nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối các yếu tố vùng miền, trẻ, nữ, dân tộc... trong Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các địa phương sớm thành lập tổ chức chỉ đạo bầu cử, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để cuộc bầu cử đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.

Hà Nội thành lập Hội đồng bầu cử

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký quyết định thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Ủy ban Bầu cử gồm 28 thành viên do bà Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP làm Chủ tịch. Ủy ban Bầu cử có nhiệm vụ và quyền hạn như quy định tại Điều 15 - Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Điều 16 - Luật Bầu cử đại biểu HĐND (đã được sửa đổi bổ sung năm 2010).

Chính Trung