Chữa trị cho “cụ” rùa hồ Gươm: Vẫn còn tranh cãi?!
(ANTĐ) - Gần đây nhiều hình ảnh về “cụ” rùa hồ Gươm với những vết thương lở loét trên mai đã và đang khiến người dân cũng như các nhà khoa học lo lắng về tình trạng sức khỏe của “cụ”. Theo nhiều chuyên gia, việc chữa trị vết thương cho “cụ” rùa lúc này là vô cùng cấp bách.
>>>Cụ Rùa bị thương tổn mới?/ Cứu cụ Rùa hồ Gươm: Không thể chần chừ / Những vết thương nguy hiểm trên mình cụ Rùa hồ Gươm/ Sốc nặng vì vết thương mới của cụ Rùa
Những vết thương đáng ngại
Nhiều ngày nay, “cụ” rùa liên tục nổi lên mặt nước với dáng vẻ mệt mỏi, trên mình mang theo những vết thương sâu, đã bắt đầu lở loét. Thêm vào đó, dọc sống mai “cụ” rùa còn xuất hiện vệt màu trắng mà PGS.TS Hà Đình Đức nghi ngờ rằng, do một loại nấm gây ra. Trao đổi với chúng tôi, PGS Đức công bố những loạt ảnh mới nhất chụp “cụ” rùa nổi lên mặt nước vào những ngày đầu tháng 2. “Những ngày gần đây, thời gian “cụ” nổi lên càng kéo dài, dáng điệu rất mệt mỏi với những vết thương ở mai ngày càng ăn sâu, lở loét. Gần đây nhất, “cụ” nổi lên ở khu vực nước rất nông, sát mép bờ như muốn trèo lên”, PGS Đức lo lắng.
“Cụ” rùa hồ Gươm và những thương tích trong lần nổi lên mới nhất ngày 11-2 |
Cũng theo PGS Hà Đình Đức, trong năm 2010, dù một vài vết thương cũng đã xuất hiện ở phần mai mềm, nhưng không nhiều, rộng và sâu, đáng lo ngại như những hình ảnh vừa qua. Ngoài ra, hiện mực nước hồ Gươm đang rất thấp, nhiều chỗ chỉ còn từ 0,4-0,6m, sâu nhất cũng chỉ còn khoảng 1,2m, cùng với việc nước hồ ô nhiễm khiến tình trạng sức khỏe của “cụ” càng đáng báo động.
Bởi vậy, theo PGS Đức, việc cấp thiết là nên đưa “cụ” rùa lên khu vực Tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị các vết thương. “Sẽ có các biện pháp để giữ ấm cho “cụ” trong thời gian các bác sỹ thú y kiểm tra và chữa trị. Theo tôi, chỉ cần nửa ngày công việc có thể hoàn tất”, PGS Đức cho biết.
Chữa trị cách nào?
Đồng tình với ý kiến của PGS Đức, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cần theo dõi cẩn thận tình trạng sức khỏe của cụ, việc kiểm tra và chữa trị vết thương cho “cụ” là cần thiết, nhưng việc đưa “cụ” lên bờ cần phải cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, làm thế nào để đưa “cụ” lên bờ an toàn mà không gây ảnh hưởng tới “cụ” cũng là điều các nhà khoa học đau đầu.
TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng ủng hộ quan điểm với PGS Đức cần đưa “cụ” rùa lên bờ chữa trị. Ông Sáng cho rằng, chúng ta không thể phó mặc vào tự nhiên, phó mặc vào sự may rủi, vết thương không được chữa trị có thể sẽ nặng thêm. Cách tốt nhất là đưa “cụ” rùa lên để chăm sóc.
Cũng theo TS Sáng, để đảm bảo “cụ” rùa khi đưa lên bờ không bị “bỡ ngỡ” với môi trường sống mới, cách tốt nhất là phải làm một cái bể lớn, đặt gần đó, sau đó bơm nước từ dưới hồ lên để đảm bảo khi đưa lên khỏi mặt hồ vẫn được sống trong môi trường cũ. Nước trong hồ sau khi được bơm lên sẽ được làm vệ sinh, diệt khuẩn. TS Sáng cho rằng, việc đưa lên bờ cần phải được tính toán cẩn thận, cứ nhảy bừa xuống hồ thì khó mà đưa “cụ” lên được bờ.
Còn GS Võ Quý, Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng, phải xem “cụ” rùa có bị thương hay không rồi mới tính đến các phương án chữa trị. Đối với những vết thương nhỏ ở động vật thường sẽ tự lành. Bởi, theo GS Quý, việc bắt đưa “cụ” rùa lên bờ là không đơn giản, trước đây đã từng lội xuống hồ để bắt nhưng không tìm thấy đâu. Vì vậy, không thể dùng phương pháp đánh bắt thông thường với “cụ” được.
GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục theo dõi thay vì vội vàng đưa “cụ” lên ngay bờ. Hiện nay đang vào thời kỳ mùa đông, rét mướt, nếu đưa “cụ” rùa lên, không chắc đã chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.
Theo thông tin từ Sở KH-CN Hà Nội, thì vào ngày 15-2, Sở KH-CN sẽ tổ chức diễn đàn, tổ chức lấy ý kiến và tìm cách chữa trị vết thương cho “cụ” rùa một cách an toàn.
Ngân Tuyền