Chưa thống nhất cách chữa trị cho “cụ” rùa hồ Gươm

(ANTĐ) - Trước những thương tích và sức khỏe “cụ” rùa được cho là khá nghiêm trọng, dư luận đặt hy vọng lớn vào buổi hội thảo quốc tế ngày 15-2 tìm giải pháp bảo vệ rùa hồ Gươm… Tuy nhiên, hội thảo trôi qua, cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học vẫn chưa thể đi đến thống nhất và hành động để chữa trị vết thương cho “cụ”.
>>> Còn đang bàn cách cứu, cụ Rùa lại bấu chân vào bờ / Cần phương pháp thỏa đáng, kịp thời / Cụ Rùa bị thương tổn mới?

Chưa thống nhất cách chữa trị cho “cụ” rùa hồ Gươm

(ANTĐ) - Trước những thương tích và sức khỏe “cụ” rùa được cho là khá nghiêm trọng, dư luận đặt hy vọng lớn vào buổi hội thảo quốc tế ngày 15-2 tìm giải pháp bảo vệ rùa hồ Gươm… Tuy nhiên, hội thảo trôi qua, cơ quan chức năng cũng như các nhà khoa học vẫn chưa thể đi đến thống nhất và hành động để chữa trị vết thương cho “cụ”.
>>> Còn đang bàn cách cứu, cụ Rùa lại bấu chân vào bờ / Cần phương pháp thỏa đáng, kịp thời / Cụ Rùa bị thương tổn mới?

Chữa trị kết hợp phân tích khoa học

Vẫn chưa kết luận đưa “cụ” rùa lên cạn để chữa trị hay không
Vẫn chưa kết luận đưa “cụ” rùa lên cạn để chữa trị hay không

Nhiều biện pháp đã được các nhà khoa học, những doanh nhân nuôi trồng thủy sản đưa ra, song kết luận cuối cùng vẫn chưa thể đưa ra, có hay không việc tiến hành chữa trị vết thương cho “cụ” và nếu làm sẽ làm như thế nào để không gây ảnh hưởng đến “cụ”.

Phần đông các nhà khoa học đều cho rằng, vết thương trên mình “cụ” rùa hiện nay là do con người gây ra. GS. TSKH Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết: “Chưa thể khẳng định được vết thương trên mình “cụ” rùa hiện nay là do rùa tai đỏ gặm, nhưng có thể khẳng định, nhiều vết thương bị gây ra trong quá trình di chuyển vướng vào các vật sắc, nhọn”. Cùng với môi trường nước hồ Gươm đã ở mức ô nhiễm nặng, sức khỏe “cụ” rùa yếu, khiến các vết thương lan rộng, sâu và lở loét như hiện nay. Bởi vậy, hầu hết các nhà khoa học đều đồng tình, cần phải chữa trị vết thương cho “cụ” bằng cách đưa “cụ” lên bờ để kiểm tra vết thương, tình trạng sức khỏe, bệnh tật. “Không nên làm theo tính chất vụ việc mà nên có kế hoạch, có ban chỉ đạo để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến khoa học xung quanh nghi vấn về “cụ” bấy lâu nay”, ông Yên đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Kim Văn Vạn, Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản - khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản - Đại học Nông nghiệp 1 cho biết, biện pháp hiệu quả nhất là đưa “cụ” rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết lở loét triệt để, đồng thời kết hợp xử lý môi trường nước trong hồ. Tuy nhiên, ông Vạn cũng lưu ý, trong quá trình đưa “cụ” lên cạn cần tránh gây tổn thương thêm do đánh bắt, cần giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ, tránh gây hoảng loạn, sợ sệt. Việc điều trị kết hợp bôi ngoài da và tiêm, thời gian đưa “cụ” lên cạn để xử lý vết thương tối thiểu từ 5-7 ngày.

Chưa biết có đưa “cụ” lên bờ hay không

Tuy nhiên, giải pháp đưa “cụ” rùa lên bờ để chữa trị cần phải được kết hợp với xử lý môi trường nước như nạo vét bùn ở đáy hồ, thu gom các vật sắc nhọn trong lòng hồ, thay nước và làm đa dạng thêm hệ thủy sinh trong hồ.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần đưa “cụ” lên bờ để chữa trị, nhưng đưa bằng cách nào vẫn còn gây tranh cãi. Cũng trong hội thảo sáng qua, các nhà khoa học đều đề nghị cần có kế hoạch bổ sung rùa mới vào hồ Gươm. Tuy nhiên, việc bổ sung cần được lựa chọn loài rùa phù hợp với điều kiện sinh thái tại hồ.

Nếu như các nhà khoa học trong nước đều đồng ý với việc đưa “cụ” lên bờ để chữa trị thì một số nhà khoa học nước ngoài lại khá dè dặt với vấn đề này. Ông Timmothy MCormack, điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á đề nghị, cần thu thập thêm tư liệu về những vết thương của rùa tại hồ Hoàn Kiếm, tham khảo ý kiến của các bác sỹ thú y chuyên về rùa trên thế giới để có cách thức chữa trị phù hợp nhất.

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội cũng cho rằng, trước mắt, Sở KH-CN sẽ tiến hành ngay một số công việc như nạo vét hồ, dọn dẹp sạch các đường ống, vật sắc nhọn trong hồ, cải tạo môi trường nước như lắp đài phun nước, thay nước trong hồ, tạo chỗ cho “cụ” lên phơi nắng ở chân tháp Rùa… Tuy nhiên, việc có đưa “cụ” lên bờ để chữa trị hay không cần phải có thời gian cân nhắc, xem xét và thống nhất giữa các quan điểm.

Hải Dương