Chưa thể kiểm soát doanh nghiệp lữ hành "chui"

ANTĐ - Hoạt động lữ hành trái phép vẫn nhức nhối tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch, đây cũng là một trong những vấn đề mà ngành du lịch thẳng thắn nhìn nhận trong cuộc họp tổng kết tình hình du lịch 9 tháng đầu năm vào chiều 9-10. 

Chưa thể kiểm soát doanh nghiệp lữ hành "chui" ảnh 1Không để hoạt động lữ hành “chui” làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch trong nước
(Ảnh minh họa)

Tour "chui" hoành hành

Trước phản ánh của các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông về tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trái phép ngang nhiên hoạt động tại một số điểm du lịch, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, theo điều tra, đối tượng khách du lịch “chui” nổi cộm nhất hiện nay lại đến từ một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… Đây là những khu vực có lượng khách khá đông, cộng với một số thị trường nằm trong diện miễn thị thực (visa)… dẫn đến khó kiểm soát.

Ông Phương cho biết, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với thanh tra Bộ VH-TT&DL, lực lượng công an… rà soát kiểm tra, kiên quyết trục xuất những người nước ngoài hoạt động trái phép ra khỏi Việt Nam. Song song với hoạt động du lịch trái phép, bán tour “chui”, tình trạng “nhái” thương hiệu của các hãng lữ hành cũng là một “biến tướng” đang tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và sự cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh. 

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc “Du khách thuộc diện miễn visa nhưng vẫn phải trả lệ phí?”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đây đều là những trường hợp du lịch trên 15 ngày. Theo ông Tuấn, chính sách miễn visa hiện nay đang nảy sinh 3 vướng mắc đó là: Miễn visa trong thời hạn 1 năm, đối với khách lưu trú dưới 15 ngày và thời gian miễn visa lần 2 phải sau 30 ngày.

Bởi vậy, Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn cho khách du lịch, ngoài thông tin trực tiếp cho khách du lịch cách thức gia hạn visa, Tổng cục Du lịch cũng tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian cho các thị trường đã được miễn thị thực như 5 nước Tây Âu. Bởi thời hạn 1 năm miễn visa vẫn là khá ngắn, khách du lịch thường lên kế hoạch du lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu chỉ miễn 1 năm thì e rằng khách chưa đến thì đã… hết hạn.

Thứ hai, nếu ra chỉ tiêu trong 1 năm mà ngành du lịch Việt có thể thu về những kết quả thấy ngay được thì e rằng… không khả thi. Bởi kết quả bước đầu từ chính sách miễn visa cho 5 thị trường khách Tây Âu, chúng ta mới chỉ thu hút mạnh khách Anh, Pháp, Đức… đang lưu trú tại những nước trung chuyển, tức là    khách du lịch đến Thái Lan,  Singapore… có nhu cầu sang Việt Nam. Còn đối với thị trường khách trực tiếp thì vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.  

Tăng trưởng nóng có ảnh hưởng tới di sản? 

Tại cuộc họp, đã có những lo ngại xung quanh việc tăng trưởng nóng có làm ảnh hưởng đến bảo tồn cảnh quan, cũng như mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt là ở Phú Quốc hiện nay, việc nhiều dự án, công trình phục vụ du lịch được triển khai đồng loạt đang biến Đảo Ngọc trở thành một “đại công trường”. Sân bay Phú Quốc hiện đã có dấu hiệu bị quá tải và đang tính toán phương án nâng cấp để tăng sức khai thác hơn.

Trong khi đó, hàng loạt dự án cũng đang được triển khai ở Phú Quốc như sân golf, casino, đặc biệt là tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới dự kiến khánh thành vào tháng 4-2017… Mặc dù, người đứng đầu ngành du lịch cho rằng, việc phát triển Phú Quốc vẫn đang đi đúng hướng, tuy nhiên, với tốc độ như hiện nay khó có thể đảm bảo rằng, việc “thay da đổi thịt” của Phú Quốc không làm phương hại đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, nhất là khi nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, được thiên nhiên ưu đãi.

Những vấn đề trong làm du lịch ở Phú Quốc như việc rác thải chất đống ở khu vực bờ biển không được thu gom xử lý, nhân lực làm du lịch thiếu thốn, quản lý nguồn lực phát triển chưa đồng bộ… Rõ ràng, câu chuyện Phú Quốc đặt ra những câu hỏi trong cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đối với ngành du lịch. 

Trải qua giai đoạn 9 tháng khó khăn, trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch đang nỗ lực hết sức để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt tiếp tục thực hiện có hiệu quả  Nghị quyết 92 và Chỉ thị số 14 của Chính phủ, đảm bảo tiến độ xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) và hoàn thiện hồ sơ về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trình Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục xúc tiến các chương trình quảng bá du lịch, tham gia các hội chợ du lịch nước ngoài, mời các đoàn khảo sát, báo chí từ nước ngoài, đặc biệt là ở những thị trường được miễn visa sang thăm Việt Nam, nhất là những thị trường trọng điểm.