Chưa thể hài hòa

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa chính thức lên tiếng bác bỏ những ý kiến cho rằng, phương pháp tính thuế nhập khẩu hiện nay chưa phản ánh đúng diễn biến giá thành xăng dầu thế giới. Vậy thực chất cách tính thuế nhập khẩu này là gì và vì sao dẫn đến sự bất đồng quan điểm?

Từ cuối tháng 3-2016, Bộ Tài chính đã áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý. 

Hiện mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% với diezel và 0% với dầu hỏa và mazut. Theo bộ này, thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở, mà mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu ổn định theo quý (lấy quý trước tính cho quý sau).

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số chuyên gia thị trường, giá cơ sở được tính theo chu kỳ 15 ngày, song mức thuế suất tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo quý, tức là có độ trễ gấp 6 lần.

Con số này rõ ràng không theo kịp “nhịp đập” thị trường. Nhìn vào bảng số liệu mà cơ quan điều hành công bố sẽ thấy ngay bất cập. Cụ thể giá dầu diezel từ ngày 21-3 đến 4-4 là 45,68 USD/thùng, thấp hơn bình quân chu kỳ trước đó 0,17 USD/thùng. Lẽ ra giá bán lẻ trong nước có thể hạ nhưng do cách tính mới, thuế nhập khẩu dầu từ 0,6% đã tăng vọt lên 2,32%.

Và vì thế liên Bộ Tài chính - Công Thương đã phải tăng chi quỹ bình ổn để… giữ nguyên giá bán. Điều trái khoáy là, chỉ khi giá thế giới tăng cao thì mới xả quỹ nhưng quỹ này phải rút ra để “bình ổn” khi giá xăng dầu đi xuống.

Một sự bất cập rõ ràng là mức thuế 18,35% đối với xăng mà Bộ Tài chính đang áp dụng để tính giá cơ sở chênh lệnh tới 8% so với mức nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc (10%) gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, có thể dẫn đến nguy cơ các đầu mối nhập khẩu tìm cách chuyển sang thị trường Hàn Quốc để hưởng lợi.

Để hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thuế nhập khẩu xăng dầu không phải là bài toán hóc búa đến mức nan giải. Nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức ưu đãi như trước thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt thòi.

Còn nếu tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp lại bị thiệt. Khi số liệu cụ thể để tính toán ra các mức thuế bình quân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính khó theo dõi, giám sát thì việc điều hành giá xăng dầu vẫn thiếu tính công khai, minh bạch vì thế chưa thể nói “hài hòa” lợi ích ba bên.