"Chưa thể giảm ngay cấp phó"

Đi kèm với sự sáp nhập, giải thể các bộ, cơ quan ngang bộ... là việc sắp xếp nhân sự dôi dư sao cho hợp lý, cũng như việc xếp “ghế” cho các cán bộ cấp thứ trưởng, vụ trưởng...

Tân bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:

"Chưa thể giảm ngay cấp phó"

Đi kèm với sự sáp nhập, giải thể các bộ, cơ quan ngang bộ... là việc sắp xếp nhân sự dôi dư sao cho hợp lý, cũng như việc xếp “ghế” cho các cán bộ cấp thứ trưởng, vụ trưởng...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn 

Bài toán nan giải đó sẽ là một trong những nhiệm vụ mà tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn sẽ phải giải quyết. Bộ trưởng Tuấn cho biết:

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hợp nhất các cơ quan nhưng vẫn phải giữ được tính chuyên sâu trong quản lý, vì thế vẫn phải duy trì tính độc lập của mỗi cơ quan theo cách hình thành các cục, tổng cục trực thuộc bộ mới.

Ví dụ Bộ Thủy sản hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhưng sẽ thành lập cục hoặc tổng cục thủy sản.

Không mất chức!

* Thưa bộ trưởng, việc sáp nhập các bộ nếu không “di dời cơ học” thì chắc chắn sẽ dôi dư cán bộ. Khi sắp xếp lại bộ máy, cán bộ công chức thì ai sẽ là đối tượng ưu tiên, thưa ông?

- Chắc chắn sẽ dôi dư cán bộ nhưng ngay bây giờ chúng tôi chưa tính được cụ thể số lượng dôi dư. Dự kiến trong những ngày tới, chúng tôi sẽ làm việc lần lượt với các bộ để tính lượng cán bộ cần sắp xếp. Chúng tôi cố gắng bố trí anh em làm việc và làm thế nào để phát huy khả năng của cán bộ công chức, đồng thời vận dụng các chế độ, chính sách để trình Chính phủ giải quyết sao cho số cán bộ dôi dư không bị thiệt thòi.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Thiện (Thừa Thiên - Huế): Quốc hội đã phê chuẩn thành viên Chính phủ và cũng đã ra nghị quyết về việc tổ chức lại các cơ quan, các bộ, ngành. Hiện nay không chỉ có các bộ, ngành trung ương, mà các sở, ngành ở địa phương hiện nay ngồi chờ xem thử cơ quan mình, bản thân mình ở đâu, đi về đâu, nếu như không sớm ổn định bộ máy của các địa phương, của các sở ngành thì chắc chắn việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm nhiều lần sáp nhập, tách nhập cho thấy một lần tách nhập là một lần giải quyết quá nhiều vấn đề, lãng phí, vấn đề cán bộ, chờ đợi...

* Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Việc người dân phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để có được một chỗ làm việc trong cơ quan nhà nước là hiện tượng phổ biến. Đây là sơ hở mà pháp luật chưa có biện pháp ngăn chặn, làm cho những người có phẩm chất, năng lực nhưng không có tiền bị bật ra ngoài, thay vào đó là những người không đủ tiêu chuẩn, nhưng do thân quen hoặc có tiền thì lại có "ghế", dẫn đến chất lượng công việc của những công chức, viên chức này rất thấp.

* Sáp nhập, giải thể đồng nghĩa với việc nhiều vị trí quan trọng sẽ phải sắp xếp lại như thứ trưởng, vụ trưởng. Giữ nguyên thì những bộ mới sẽ có nhiều thứ trưởng, vụ trưởng. Vấn đề nhạy cảm này sẽ được xử lý thế nào?

- Về chính sách thì vẫn phải đảm bảo các cán bộ có vị trí làm việc và phát huy hết khả năng. Các bộ nhập vào phải tính tới việc giữ nguyên vị trí cho các cán bộ đó. Trong chủ trương cải cách hành chính, ý tưởng của Thủ tướng là giảm cấp phó nhưng vì lập bộ đa ngành, cần có bộ máy để thực hiện công việc chuyên sâu nên chưa thể thực hiện ngay ý tưởng này.

* Thưa bộ trưởng, khi nào các bộ mới hợp nhất, các cơ quan sáp nhập sẽ đi vào hoạt động?

- Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối năm các bộ thực hiện việc hợp nhất, chuyển đổi, giải thể và phải đi vào hoạt động bình thường trên cơ sở có chức năng, nhiệm vụ của bộ đa ngành mới. Các bộ trưởng bộ mới, bộ cũ và các cơ quan có liên quan sẽ họp bàn lộ trình cụ thể để thực hiện sao cho trong thời gian ngắn nhất có thể xây dựng được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đi vào hoạt động.

* Ở trung ương là vậy, còn ở các tỉnh, thành phố thì sao thưa ông?

- Ở Chính phủ, bộ ngành nào hợp nhất thì cấp tỉnh, thành phố các sở ngành đó cũng phải hợp nhất để đảm bảo tính đồng bộ. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm các địa phương sẽ hoàn tất việc hợp nhất các sở ngành theo mô hình của Chính phủ.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị

* Liên quan đến bộ máy chính quyền, nhiều ý kiến cho rằng đặc thù của đô thị và nông thôn khác nhau hoàn toàn, nếu cứ duy trì mô hình quản lý giống nhau như hiện nay thì rất bất cập. Trong đề án cải cách hành chính, Chính phủ có đề cập xây dựng mô hình chính quyền đô thị khác với nông thôn. Vấn đề này tới đây sẽ được triển khai như thế nào?

- Tới đây Ban chấp hành trung ương sẽ ban hành nghị quyết về cải cách hành chính, trong đó phân biệt rõ chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Có ý khởi xướng mô hình chính quyền đô thị để chỉ đạo, điều hành của cấp lãnh đạo không bị chia cắt, đảm bảo sự thống nhất, thông suốt của một đô thị. Do vậy, ở cấp quận và cấp phường không duy trì hội đồng nhân dân.

Nhưng hướng tới đây là sẽ chỉ làm thí điểm chứ chưa quyết định làm trong toàn hệ thống. TP.HCM đã nghiên cứu mô hình này, tôi đã nhận lời với lãnh đạo TP.HCM sẽ có cuộc làm việc để tìm hiểu thêm những quan điểm và căn cứ hình thành chính quyền đô thị mà TP.HCM muốn được làm thí điểm.

* Việc dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã đã từng được nhắc đến nhưng đến bao giờ mới được triển khai thực hiện?

- Hiện nay Chính phủ đang có đề án để trình Thường vụ Quốc hội. Nếu được tiến hành thì cũng làm điểm và trên cơ sở đó thấy hiệu quả mới làm. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ sở là cấp xã nên phải thận trọng.

* Nhiều cán bộ công chức lâu nay bị dân kêu rất dữ, Bộ Nội vụ có kế hoạch gì khắc phục để cán bộ thật sự là công bộc của dân?

- Bộ Nội vụ sẽ tiến hành xây dựng đề án Luật công vụ. Luật sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản về tiêu chuẩn cán bộ, công chức, việc tiến hành nâng lương, nâng ngạch, qui định về công sở, chế độ làm việc, tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công chức. Có thể nói thông qua Luật công vụ sẽ có điều kiện nâng tầm, nâng chất lượng của cán bộ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch Hoàng Tuấn Anh:

Sáp nhập không phải là phép nhân hay phép cộng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch Hoàng Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch Hoàng Tuấn Anh

- Thời gian qua cả ba lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã gặt hái nhiều thành công đáng kể, có thể kể đến như sự kiện vịnh Hạ Long được đề cử vào danh sách các kỳ quan thiên nhiên thế giới, bóng đá VN đại diện khu vực Đông Nam Á lọt vào vòng tứ kết Cúp bóng đá châu Á... Mục tiêu sắp tới làm thế nào để cả ba lĩnh vực hoàn thành mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ưu tiên sắp tới là làm thế nào giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử mà tổ tiên để lại. Xây dựng kế hoạch liên kết quảng bá, xúc tiến, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người VN thông qua cả ba mặt văn hóa, thể thao và du lịch.

* Thưa bộ trưởng, có thể hiểu việc sáp nhập ba ngành lại thành một bộ là phép cộng hay là phép nhân những lợi thế của cả ba ngành?

- Đây không phải là phép nhân hay phép cộng mà quản lý đa ngành đã trở thành xu hướng tất yếu để hội nhập và phát triển. Ba ngành sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau và nhân lên những lợi thế vốn có của mình.

* Sắp tới Tổng cục Du lịch VN sẽ đóng vai trò gì trong bộ mới?

- Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch có nhiệm vụ xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước con người VN và cơ quan hỗ trợ chuyên sâu cho việc này chính là Tổng cục Du lịch. Cơ quan này sẽ mạnh hơn, có cơ chế hoạt động để phát huy tối đa khả năng của mình tập trung cho việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh, đất nước con người VN ra nước ngoài.

Cơ quan này sẽ chủ động kết hợp các sự kiện văn hóa, thể thao để giúp xúc tiến quảng bá hình ảnh của đất nước con người VN. Lâu nay cơ quan này rất bị động khi kết hợp các sự kiện văn hóa, thể thao cho công tác quảng bá, xúc tiến, nay thì mọi việc sẽ khác.

Theo Tuổi trẻ