Chưa thể bỏ lãi suất cơ bản!
(ANTĐ) - Đó là quan điểm khá thống nhất được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra tại phiên họp toàn thể sáng qua, 16-11, về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của tổ chức tín dụng |
Còn nhiều lúng túng!
Các ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Đình Long (Đắk Lắk), Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Hoàng Văn Minh (Nghệ An)... đều có chung câu hỏi: “Một khi bỏ quy định này thì quản lý lãi suất tín dụng giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động đi vay - cho vay (không phải là tổ chức tín dụng) bằng công cụ nào”? ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) nhiều lần nhắc lại, ông đã có ý kiến về vấn đề này từ những kỳ họp của QH khóa 11, nhưng “chưa nhận được giải thích thỏa đáng”. Ông Trần Thế Vượng còn đặt vấn đề: “Bộ luật Dân sự có quy định về hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi, bỏ quy định về lãi suất cơ bản thì căn cứ vào đâu để xác định tội danh này? Như vậy cần phải sửa đổi nội dung nêu trên trong Bộ luật Dân sự”. Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng khẳng định, câu chuyện bỏ công cụ điều hành lãi suất này đã có tới 4 lần được nêu dưới các hình thức khác nhau và đều... bị bác.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thẳng thắn: “Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là việc kiên trì đề nghị sửa đổi luật như vậy nhằm mục tiêu bảo vệ cho lợi ích của ai, của Nhà nước, của nhân dân để ngăn chặn việc cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ, hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng”. |
Ông Trần Thế Vượng lý giải: “Sự lúng túng thể hiện trong nhiều nội dung của dự thảo luật - mà quy định về lãi suất cơ bản là một ví dụ - xuất phát từ việc Ban soạn thảo dường như chưa xác định rõ vai trò của NHNN như một cơ quan quản lý trực thuộc Chính phủ hay như một ngân hàng Trung ương”. Chính vì vậy, những quy định về chính sách tiền tệ (tại điều 5 của dự thảo) không nhận được sự đồng tình của ĐB Trần Thế Vượng và nhiều ĐB khác. “Cứ theo điều này thì QH chỉ quyết định “mức lạm phát định hướng từng thời kỳ”, như vậy phải chăng khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia chỉ có nghĩa là mức lạm phát?”, ĐB hỏi. Nhiều nội dung khác về vai trò của Chủ tịch nước và Chính phủ trong việc quyết định chính sách tiền tệ quốc gia cũng đã được bỏ đi so với luật hiện hành cũng được ĐB Trần Thế Vượng coi là “không hợp lý”.
ủng hộ xu hướng trao thêm quyền tự quyết và định rõ trách nhiệm của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, nhưng ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, không nên cho phép NHNN sử dụng vốn Nhà nước để góp vốn pháp định thành lập doanh nghiệp, vì “như vậy rất khó bảo đảm sự công bằng, minh bạch, cũng như không phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Không nên can thiệp quá sâu
Chiều 16-11, góp ý cho dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), nhiều ý kiến đồng tình với việc sửa luật, song bày tỏ băn khoăn vì có vẻ như luật đang thắt chặt hoạt động của TCTD một cách thái quá. “Quy định Ngân hàng Thương mại không được mua cổ phần của các TCTD là quá chặt chẽ, khiến các ngân hàng, các TCTD không thể hỗ trợ được cho nhau, không tạo đà cho sự phát triển của các ngân hàng”, ĐB Nguyễn Thị Hảo (Hải Dương) phát biểu. ĐB này cho rằng, cần giữ nguyên quy định như hiện hành, thay vào đó chỉ nên khống chế tỷ lệ cổ phần mà các ngân hàng thương mại được mua. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng đánh giá quy định này là không phù hợp. “Nên để các ngân hàng góp vốn với nhau. Nếu cần, chỉ nên khống chế số cổ phần được nắm giữ, có thể là không quá 15%”, ĐB Phạm Thị Loan nói.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại Ngân hàng Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của TCTD. Đơn cử, theo quy định của dự thảo luật, danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ trên của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi bầu, bổ nhiệm và những người được bầu, bổ nhiệm phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Về quy định này, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), ĐB Phạm Thị Loan đều cho rằng, không nên can thiệp quá sâu như vậy. “Theo tôi, TCTD chỉ nên gửi danh sách nhân sự để Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn với định hướng hợp lý. Còn bầu ai phải do đại hội cổ đông họ quyết định”, ĐB Nguyễn Đăng Trừng nói.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với nhận định của ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật quá thiên về tăng cường, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các TCTD. Các quy định về quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của TCTD còn nặng về hành chính, cấp phép mà chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý các TCTD. ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lý giải, đặc thù của hoạt động ngân hàng là nhiều rủi ro và cần hạn chế ảnh hưởng của một tổ chức hay một cá nhân đến hoạt động ngân hàng nhưng nếu giới hạn như dự thảo là quá chặt chẽ.
Thành Nam