Chưa tái cơ cấu thật sự

ANTĐ - Một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là phân định tỷ trọng doanh nghiệp và xác định vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Cả hai nhóm giải pháp này còn nhiều điểm cần xem lại. Việc chia doanh nghiệp thành các nhóm tương ứng với tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ hoặc thoái toàn bộ vốn là hợp lý. Song thúc đẩy lưu thông cổ phần Nhà nước để đẩy mạnh thoái vốn cũng không kém phần quan trọng. Đó là quan điểm cơ bản được rút ra tại hội thảo “Các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước” vừa diễn ra. 

Theo Bộ Tài chính, hiện nay cả nước đã sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa được 3.659 DN, đã cổ phần hóa 18 tổng công ty và 3 ngân hàng thương mại quốc doanh. Theo nhận định của Phó Vụ trưởng Vụ đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, những cơ chế chính sách đối với đổi mới, tổ chức giám sát DN 100% vốn Nhà nước đã được ban hành, nhưng vẫn còn một số cơ chế chậm đưa vào thực tiễn. Trong 10 tháng qua, cả nước đã sắp xếp được 50 DN, trong đó cổ phần hóa được 42.

Một hạn chế điển hình nhất là việc thoái vốn còn quá chậm, do thị trường chứng khoán ảm đạm, tính thanh khoản thấp trong điều kiện DN thoái vốn phải bảo toàn vốn đã đầu tư. Nhìn chung từ năm 2010 đến nay, tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu DN chậm so với yêu cầu. Một số bộ, ngành chưa thực sự quyết liệt triển khai. Ngoài ra, nguồn tài chính để xử lý nợ còn hạn hẹp, việc khoanh nợ, giãn nợ gặp nhiều vướng mắc.

Chưa hoàn thiện chính sách thu hút và bảo vệ nhà đầu tư nên việc mua bán, chuyển đổi cổ phần gặp nhiều khó khăn. Điểm hạn chế của vấn đề đại diện chủ sở hữu là cơ chế phân công, phân cấp thực hiện các nội dung giám sát chồng chéo. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chỉ quản lý vốn tại DN quy mô nhỏ là bất hợp lý. Trong khi đó, có đến 5 nghị định và thông tư quy định về quan hệ sở hữu công ty mẹ - công ty con.

Một tiến sĩ kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách đề xuất, cần thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức và vai trò của SCIC. Theo đó, SCIC cần có quyền tự quyết đủ mạnh để đưa ra được quyết định liên quan đến việc thuê mướn, sa thải, đãi ngộ và khuyến khích nhân viên. Vì cơ cấu tổ chức, hội đồng quản trị và ban lãnh đạo của các công ty này phải thực sự có quyền lực, được báo cáo trực tiếp lên những người ở vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền với thành phần tham dự không thể thiếu là Bộ trưởng các bộ. Hiện tại có nhiều cơ quan khác nhau cùng tham gia thẩm định và phê duyệt các kế hoạch tái cơ cấu. Đối với tập đoàn, tổng công ty 91 là Thủ tướng, đối với các DN Nhà nước là các bộ chủ quản và UBND tỉnh. Sự phân tán này dẫn đến thiếu một cơ chế phối hợp liên ngành đủ mạnh để tránh những mâu thuẫn, thiếu nhất quán có thể xảy ra. Trong khi đó, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN có vai trò điều phối, song không có quyền đưa ra các chế tài đối với các bên trong tiến trình tái cơ cấu DN Nhà nước. 

Một số chuyên gia thừa nhận, các đề án tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các đề án đổi mới, sắp xếp DN của các bộ, ngành vẫn diễn ra theo tư duy và cách làm cũ. Đó chỉ là sắp xếp lại các DN, cổ phần hóa và giải thể, chứ chưa hoàn toàn “động” đến tái cơ cấu thật sự.