Chưa nên luật hóa quản lý sản phẩm biến đổi gen

(ANTĐ) - Ngày 31-3, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về 2 dự án: Luật đa dạng sinh học (ĐDSH) và Luật Công nghệ cao.

Phiên họp thứ 7 của ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chưa nên luật hóa quản lý sản phẩm biến đổi gen

(ANTĐ) - Ngày 31-3, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về 2 dự án: Luật đa dạng sinh học (ĐDSH) và Luật Công nghệ cao.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên trình bày, ĐDSH của Việt Nam đang bị suy thoái nhanh, số lượng cá thể và nguồn gen động thực vật hoang dã của nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, đến nay nước ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào tổng quát, cụ thể, trực tiếp bảo vệ, bảo tồn ĐDSH, đã làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật ĐDSH, nhằm tạo khung pháp lý, thống nhất các chủ trương, chính sách cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về ĐDSH và mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đa số các ý kiến các thành viên UBTVQH đều tán thành việc cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật ĐDSH. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, thẩm tra dự án Luật ĐDSH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Luật ĐDSH chưa nên đề cập đến vấn đề quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen vì đây là vấn đề rất lớn, nhạy cảm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nghiên cứu. Vấn đề này cần được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật khác tương đương.

Ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, ĐDSH luôn có biến động và chịu tác động của môi trường sống, để đảm bảo quản lý hiệu quả ĐDSH cần có cơ quan đầu mối để thống nhất quản lý, phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương. Do đó, Luật ĐDSH cần bổ sung việc phân cấp quản lý rõ ràng, cụ thể cho các địa phương, nhằm nâng cao trách nhiệm, hạn chế chồng chéo, bất cập trong chỉ đạo từ Trung ương xuống cơ sở.

Chính Trung