Chưa có ca nào tử vong vì chất lượng vaccine

ANTĐ - Xung quanh chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella diện rộng trên toàn quốc cũng như tình trạng thiếu vaccine dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1" và độ an toàn của các loại vaccine tổng hợp này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Chưa có ca nào tử vong vì chất lượng vaccine ảnh 1Tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn hiện nay
- PV: Thời gian qua đã xảy ra một số ca tai biến (với mức độ khác nhau) sau tiêm vaccine tổng hợp, ngay cả trong chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella đang diễn ra cũng có một số học sinh gặp phản ứng. Làm sao để người dân hoàn toàn yên tâm khi đi tiêm phòng?

- GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Thực tế hàng năm vẫn có khoảng 10-15 ca tử vong sau tiêm chủng, tính tất cả các loại vaccine. Tuy nhiên qua điều tra của các hội đồng chuyên môn thì từ trước đến nay ở nước ta chưa có ca nào tử vong do nguyên nhân chất lượng vaccine. Nguyên nhân thường gặp là do người tiêm mắc các bệnh lý khác, do lỗi của nhân viên tiêm chủng, lỗi bảo quản vaccine hoặc không rõ nguyên nhân. Việc nhiều vụ tai biến khiến người dân và dư luận bức xúc chủ yếu là do công tác truyền thông nguy cơ, công khai thông tin xảy ra sau khi có tai biến còn chậm, chưa phù hợp. 

Theo tôi, nếu xảy ra một vụ tai biến sau tiêm chủng, ngành y tế, những người được phát ngôn (ở tuyến địa phương là Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng hoặc nếu có kết luận của Hội đồng chuyên môn thì trực tiếp Giám đốc Sở Y tế phát ngôn) phải nhanh chóng, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận để đảm bảo thông tin chính thống, chính xác, tránh gây hoang mang.

- Vaccine tổng hợp “3 trong 1", "5 trong 1", "6 trong 1" thay thế các loại vaccine đơn liều đang trở thành xu thế phổ biến. Tuy vậy, vẫn còn lo ngại về tính an toàn của các loại vaccine này khi trong 1 liều vaccine được tổng hợp nhiều kháng nguyên khác nhau?

- Hiện vaccine "6 trong 1" là loại vaccine tổng hợp nhiều kháng nguyên nhất được sản xuất thành công. Chắc chắn trong thời gian tới, thế giới sẽ nghiên cứu, cải tiến công nghệ để sản xuất ra được các loại vaccine "7 trong 1", "8 trong 1", mơ ước của chúng ta là có được các loại vaccine đến "10 trong 1", "20 trong 1". Càng tổng hợp được nhiều kháng nguyên trong 1 liều thì trẻ càng đỡ phải tiêm nhiều mũi. Người dân cũng không phải lo lắng bởi tiêu chí quan trọng nhất khi sản xuất vaccine là  đảm bảo an toàn. Vaccine tổng hợp là do công nghệ chứ không phải đơn thuần là trộn lẫn nhiều loại vaccine vào trong 1 liều. Hơn nữa, trước khi được cấp phép thì các loại vaccine đều phải khẳng định hiệu quả, tính an toàn qua thử nghiệm lâm sàng (3 giai đoạn) và được kiểm định chặt chẽ.

- Với nhiều kháng nguyên tổng hợp trong 1 liều vaccine như vậy liệu có gây quá tải kháng nguyên cho người được tiêm? Bao giờ thì Việt Nam tự sản xuất được vaccine tổng hợp "5 trong 1", "6 trong 1" để khắc phục tình trạng thiếu các loại vaccine dịch vụ này?

- Hàng ngày chúng ta vẫn tiếp xúc với hàng chục loại kháng nguyên, vi sinh vật gây bệnh khác nhau ngoài môi trường nhưng không phải cứ tiếp xúc là sẽ mắc bệnh. Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự cạnh tranh miễn dịch khi trẻ được tiêm vaccine tổng hợp nhiều loại kháng nguyên mà ngược lại, khi được tiêm vào cơ thể, các loại kháng nguyên này có cơ chế hoạt động khác nhau để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh giống như khi tiêm từng loại vaccine đơn liều. 

 Hiện tại, ngành y tế Việt Nam đã đề xuất Chính phủ phê duyệt đề án sản xuất vaccine tổng hợp "5 trong 1", "6 trong 1" và đang trong quá trình tiếp cận, đề nghị các nhà khoa học trên thế giới chuyển giao công nghệ, hỗ trợ để có thể sản xuất được những loại vaccine tổng hợp tiên tiến này. Dự kiến đến năm 2020, chúng ta có thể sản xuất được. 

Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch hạch 

Về tình hình bùng phát dịch hạch đang diễn ra tại Madagascar (làm 119 trường hợp mắc bệnh, 40 trường hợp tử vong) và nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn do tại Trung Quốc đã ghi nhận 1 ca mắc tử vong, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, trong suốt những năm qua Việt Nam luôn chủ động lấy mẫu máu chuột, bọ chét và cả những bệnh nhân viêm hạch tại vùng nguy cơ cao (ở các cửa khẩu, bến cảng, vùng có nguy cơ lây truyền qua biên giới như Lạng Sơn, Hải Phòng, TP HCM, Hà Nội, khu vực Tây Nguyên...) để xét nghiệm, giám sát chủ động dịch hạch. Nhờ đó, chúng ta đã kiểm soát được dịch hạch trong suốt 12 năm qua, chưa ghi nhận ca dịch hạch nào trong thời gian này.