Chủ trương lập thêm 4 quận mới: Xứng tầm đô thị đặc biệt Hà Nội

ANTD.VN - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô xung quanh chủ trương phát triển 4 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì (Hà Nội) lên thành quận vào năm 2020.

Hà Nội phát triển 4 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì thành quận vào năm 2020: Xu thế đúng và tất yếu để xứng tầm đô thị đặc biệt

Nghiên cứu đầy đủ, đặt ra lộ trình mức phấn đấu 

- PV: Hà Nội đang xây dựng các đề án phát triển 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm thành quận vào năm 2020, đề xuất này có phù hợp với xu hướng phát triển chung, thưa ông?

- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Đưa một số huyện lên thành quận là xu thế đúng và tất yếu của đô thị hóa. Tuy nhiên, Đề án phát triển 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm đồng loạt lên thành quận vào năm 2020 là cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ nhiều góc độ.

Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, bài học kinh nghiệm từ những năm trước đây, khi Hà Nội đẩy mạnh đô thị hóa lên rất nhanh, đưa một số huyện lên quận như tách một phần của quận Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì để thành lập quận Hoàng Mai; tách một phần đô thị hóa cao của huyện Gia Lâm để thành lập quận Long Biên.

Thời điểm đó, chúng ta đã tính đến việc tách một phần khu vực trung tâm của Đông Anh và khu vực Sân bay Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn để thành lập một quận nữa nhưng chưa đạt tiêu chí tốc độ đô thị hóa cao. Thời điểm ấy chỉ tiêu là thành lập 3 quận, nhưng chỉ đạt được 2 quận.

- Trong quá trình xây dựng các Đề án, có ý kiến từ các huyện cho rằng, một số chỉ tiêu để huyện thành quận sẽ phải rất vất vả mới có thể đạt được, nhất là xây dựng hệ thống hạ tầng khung, ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Việc đồng loạt đưa 4 huyện trở thành quận vào năm 2020 thì cần phải xem xét lại, đối chiếu với các tiêu chí, trong các tiêu chí để từ huyện lên quận thì đặc biệt có tới 7 tiêu chí liên quan tới đánh giá về nông nghiệp, nông thôn. Về nông nghiệp thì vừa qua Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về nông thôn mới là bước đệm rất tốt nhưng vẫn phải thận trọng. Bởi các dự án đô thị hóa theo kết quả kiểm tra của HĐND thành phố vẫn cho thấy còn nhiều tồn tại, nhiều dự án chậm tiến độ.

Việc chuyển từ huyện lên quận phải gắn kết với các tiêu chí, để làm sao khi huyện đã lên quận thì không có tình trạng “nợ” tiêu chuẩn. Đồng thời, một trong những vấn đề nữa là rà soát lại trong phạm vi ranh giới từng huyện để xác lập tiêu chí cần thiết lên thành quận. Không nên đặt điều kiện tiên quyết là phải chuyển cả huyện lên thành quận. Muốn làm được như vậy, phải có dự án nghiên cứu đầy đủ, rà soát lại trong ranh giới, phân vùng khu vực và từ đó đặt ra lộ trình mức phấn đấu. 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Cần xem xét kỹ ranh giới quận mới

- Cá nhân ông đánh giá đây đã là thời điểm chín muồi để phát triển 4 huyện nói trên lên thành quận?

- Như tôi đã nói, bước chuyển từ huyện lên quận là xu thế tất yếu. Thành phố cần đẩy mạnh việc đầu tư chuyển đổi từ huyện lên quận, bởi chỉ có vậy Hà Nội mới xứng tầm Thủ đô và xứng tầm một đô thị đặc biệt. Muốn đô thị hóa nhanh là cần thiết, nhưng muốn chuyển huyện lên thành quận thì phải có lộ trình thích hợp, tránh hiện tượng tràn lan đưa cả huyện lên thành quận rồi nợ tiêu chí.

Bài học từ quận Long Biên trước đó, khi chuẩn bị phát triển lên thành quận đã được đẩy mạnh đầu tư đô thị hóa, nhưng cả dự án Việt Hưng, dự án Thượng Thanh, dự án Ngọc Thụy đến nay vẫn chưa hoàn thành để tạo động lực được; hay quận Hoàng Mai sau nhiều năm thành lập thì trung tâm quận ở khu vực Linh Đàm vẫn chưa hoàn thiện.

Đưa một số huyện lên thành quận là xu thế đúng của đô thị hóa. Bởi hiện nay, chúng ta mới đô thị hóa được hơn 20%. Và thời điểm này đặt ra vấn đề là hợp lý. Song, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng, cần xem xét lại, xác lập ranh giới, chuyển một phần khu vực phát triển của huyện lên quận chứ không nhất định phải chuyển cả huyện thành quận. 

Cả huyện Đông Anh lên thành quận là chưa thích hợp, hay cả huyện Hoài Đức thành quận cũng chưa thích hợp; thậm chí cả huyện Thanh Trì thành quận cũng  cần xem xét lại, bởi một loạt dự án quanh thị trấn Văn Điển vẫn đang còn dừng lại. Chủ trương đúng, nhưng cần xác định phạm vi và đưa ra tiêu chí phấn đấu, tránh ào ạt trở thành phong trào. 

- Nếu chủ trương này thành hiện thực, bức tranh đô thị của Hà Nội sau 2020 sẽ có thay đổi lớn thưa ông?

- Tất nhiên là như vậy. Khi huyện đã lên thành quận thì phải có chính quyền đô thị mới, đổi mới nền nông nghiệp, đẩy mạnh dự án phát triển  đô thị công nghiệp hóa. Bức tranh đô thị sẽ phát triển tùy thuộc vào quy mô dân số và nghề nghiệp của lao động sống trong đô thị ấy, nhưng không phải là lao động thuần nông nữa, mà là phát triển lao động phi nông nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Sẽ tác động lớn đến kinh tế - xã hội

Chủ trương lập thêm 4 quận mới: Xứng tầm đô thị đặc biệt Hà Nội ảnh 3

 “Thủ đô trên thế giới nói chung và TP Hà Nội nói riêng luôn có xu hướng tăng đô thị hóa, thông qua việc chuyển từ huyện thành quận, từ xã thành phường. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở con số 4 huyện tới đây mà sẽ còn tiếp tục. 

Việc chuyển 4 huyện thành quận sẽ tác động lớn đến kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ở mặt tích cực, việc chuyển đổi này sẽ giúp việc quản lý hiệu quả theo xu hướng đô thị hóa. Khi địa phương được tăng cấp thì sẽ có chế độ và chính sách đầu tư hạ tầng, các cơ sở xã hội khác, kể cả giao thông cũng tốt hơn khi còn là huyện, từ đó tạo ra nền tảng hạ tầng tốt hơn cho cả thành phố và địa phương đó. Đây còn là một cơ hội để phát triển dịch vụ và quy hoạch lại đất đai cũng như ngành nghề, từ đó tạo việc làm, động lực tăng trưởng mới cũng như tạo thu ngân sách mới. Việc chuyển đổi cũng giúp cho đời sống xã hội của huyện theo nhịp sống mới của đô thị quận theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng có thể có mặt trái bởi nếu làm không tốt thì phương án chuyển việc làm, sử dụng đất sẽ gây ra hệ lụy. Hai nữa là cán bộ không kịp đào tạo sẽ gây bất cập về năng lực, quản lý. Ba là xảy ra tình trạng hình thức hóa, chỉ có tên thay đổi mà không có thực chất. 

Cá nhân tôi cho rằng, năm 2020 cũng được coi là thời điểm chín muồi để thực hiện đề án và thành phố đã chuẩn bị các phương án triển khai. Trên thực tế, Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển đổi và chắc chắn đã có phương án tổng thể. Về nguyên tắc, để chuyển đổi, thành phố sẽ có kịch bản cả về nhân sự, chính sách, vốn, phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể…”.

Kiến trúc sư Lại Anh Tuấn: (chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch): Người dân và thành phố đều được lợi

Chủ trương lập thêm 4 quận mới: Xứng tầm đô thị đặc biệt Hà Nội ảnh 4

“Có thể thấy rõ, 4 huyện mà Hà Nội đang hoàn thiện đề án xây dựng trở thành quận vào năm 2020 (Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh) đều có vị trí quan trọng, nằm trong trục kết nối, giao thương trong khi cơ sở hạ tầng, giao thông còn hạn chế. Việc các huyện này trở thành quận là cần thiết nhằm giúp xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng đô thị ở các huyện này. Theo đó, các công trình giao thông, thông tin liên lạc, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác sẽ được đầu tư, nâng cấp.

Cùng với đó, khi cơ sở hạ tầng được đầu tư thích đáng, các quận mới thành lập sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Các nhà máy đi vào hoạt động cũng tạo việc làm cho người dân địa phương cũng như những người dân tỉnh khác đến. Người dân sẽ chuyển dần từ làm nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, phát triển bền vững. Như vậy, người dân sẽ có lợi trước tiên. Đặc biệt, việc phát triển các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai xanh sẽ khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội...”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Tuấn: Giải bài toán thu hút đầu tư

Chủ trương lập thêm 4 quận mới: Xứng tầm đô thị đặc biệt Hà Nội ảnh 5

“Với quy hoạch trở thành quận, 4 huyện này sẽ có cơ hội tái cấu trúc lại không gian đô thị, gỡ bỏ “chiếc áo" chật hẹp để phát triển mạnh mẽ hơn.

Chúng ta cần có quy hoạch chi tiết cho các quận mới này theo hướng phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, phát huy thế mạnh đặc thù, gìn giữ văn hóa, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng đó, cần có ngay các giải pháp để tránh tình trạng tạo “sốt” đất, mua bán, xây dựng tràn lan làm hỏng bộ mặt đô thị của các quận mới. Việc giữ gìn các thiết chế văn hóa cũng cần phải đặt ra như một yêu cầu quan trọng. Các huyện cần công khai quy hoạch chi tiết để người dân biết sớm. Việc quy hoạch cũng phải thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, các quận mới có rất nhiều hạng mục hấp dẫn các nhà đầu tư như các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các hoạt động giáo dục - đào tạo; du lịch, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng đô thị… để thu hút các chủ đầu tư chuyển từ đô thị trung tâm về đây đầu tư. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Hà Nội cần nỗ lực xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm, cung cấp các thông tin quy hoạch cùng các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết...”.