Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời về giá nước sạch, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

ANTD.VN -Báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV vào chiều nay, 5/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, UBND TP tiếp thu các ý kiến của HĐND TP, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà HĐND TP đưa ra.  

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV vào chiều nay, 5/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, những nội dung mà đại biểu quan tâm, chất vấn sẽ được UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành gửi câu trả lời trong vòng 1 tuần sau kỳ họp.

Đồng thời, UBND TP tiếp thu các ý kiến của HĐND TP, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà HĐND TP đưa ra.

Vì sao Hà Nội tổ chức đăng cai giải đua F1?

Trả lời câu hỏi  của nhiều cử tri cũng như dư luận về việc tại sao Hà Nội đăng cai giải đua công thức 1 (F1) , Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là một giải đua thể thao danh giá. Ngoài vấn đề về thể thao, đây còn là một kênh quảng bá hình ảnh, con người Hà Nội và Việt Nam rộng khắp trên thế giới.  

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV vào chiều nay, 5/12 (ảnh Phú Khánh)

“Giải đua này có khoảng 800 triệu người hâm mộ, các quốc gia có mặt (21) cơ bản nằm trong nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn), sẽ là nơi tiếp xúc đầu tư, chuyển giao công nghệ. Đây là môi trường tốt để quảng bá hình ảnh, đồng thời đưa Hà Nội, Việt Nam tham gia vào bản đồ giải thể thao danh giá trên thế giới”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu quan điểm.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Chính phủ đã thông qua Đề án mà Hà Nội trình; Thủ tướng đã phê duyệt giao Hà Nội tổ chức. Nhưng Hà Nội chỉ đăng cai và giao cho Tập đoàn Vingroup thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Về vấn đề chậm cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 1.579 tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ 40-50 năm trước, đến nay, tổng số mới cải tạo được 26 chung cư cũ. Hiện, đã kêu gọi được 26 nhà đầu tư tham gia lập QH 1/500 28 khu, sẽ trình thường trực HĐND TP.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội cho biết, cải tạo chung cư cũ  đang vướng cơ chế, chính sách, cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ mới giải quyết được.

Cụ thể như hệ số đền bù diện tích cho người dân; tỷ lệ bồi thường cho người dân ở tầng 1 đã xây dựng trước năm 1993; hay như cải tạo chung cư cũ  sẽ nâng tỷ lệ giao thông đô thị lên nhưng về tài chính thì không đạt. Nếu để đảm bảo  hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp thì phải điều chỉnh lại quy hoạch và như vậy tiếp tục vướng.

Xem xét lại việc di dời bệnh viện ra khỏi trung tâm

Liên quan đến vấn đề di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện ra khỏi nội đô, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, theo báo cáo, đã di dời 67 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm nhưng thành phố Hà Nội chưa nhận được bất kỳ cơ sở nhà đất nào do các cơ sở này di chuyển giao lại. Trong khi đó, đến nay, quy hoạch của các Bộ, ngành thì Bộ Xây dựng chưa hoàn thiện, khi nào có quy hoạch này thì mới di dời được.

Còn việc di chuyển bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội  đề xuất với HĐND TP và các nhà khoa học, chuyên gia về xã hội học nên nghiên cứu xem xét việc này.B

Bởi, nếu di chuyển bệnh viện ra xa như vậy thì người dân có ra khỏi nội thành hay không, nguồn nhân lực chất lượng cao như Giáo sư, bác sỹ có đi hay không? Các nước trên thế giới không làm như vậy.

Năm 2022 sẽ cơ bản xử lý nước thải đổ ra sông Tô Lịch

Đề cập đến việc xử lý ô nhiễm các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch mà người dân và dư luận quan tâm thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố cũng đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ xử lýC Có nhiều đề xuất Hà Nội nên xây dựng hệ thống cống hộp 2 đáy, trong đó một đáy thu gom nước thải, một đáy thu gom nước mưa.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hà Nội, hiện nay, thành phố đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá ở Thanh Liệt, Hoàng Mai, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.S

Sau khi hoàn thành,  một phần nước thải trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông… hiện đang thải ra sông Tô Lịch sẽ được thu gom về nhà máy để xử lý, sau đó nước qua xử lý mới đổ quay trở lại sông Tô Lịchm

 Hà Nội cũng đang tích cực hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, xem có cách nào xử lý tạm thời trên tinh thần tiết kiệm.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho các khu đô thị, các dự án nhà cao tầng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện còn hơn 29.500 GCN chưa được cấp nằm ở các dự án: xây dựng sai quy hoạch, nợ tài chính, tự ý chuyển nhượng không thông qua thành phố và sai thiết kế.

Vừa qua, Hà Nội đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ TN-MT đi đến thống nhất, trong thời gian tới, sẽ yêu cầu 135 chủ đầu tư khắc phục các lỗi trên, song song với đó sẽ triển khai cho người dân kê khai cấp GCN.

Trong  trường hợp các chủ đầu tư không khắc phục, sẽ kiên quyết không cho tham gia các dự án mới trên địa bàn thành phố.

Yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính rút kinh nghiệm vì phát biểu sai về giá nước sạch 

Đề cập đến vấn đề nước sạch đang làm “nóng” dư luận thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vừa qua, đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về phát biểu sai, để dư luận hiểu lầm về giá nước  sạch 

Ông Nguyễn Đức Chung thông tin, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, hiện đã có 23 nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án như Nhà máy nước  sạch Bắc Vân Trì, Nhà máy nước sạch Ba Vì, Nhà máy nước mặt Sông Hồng, Nhà máy nước mặt Sông Đuống…

Còn về giá nước sạch hiện nay được áp dụng trên địa bàn thành phố từ năm 2013 đến nay không hề thay đổi.

“Giá nước thỏa thuận cho các nhà máy nước như Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 và Nhà máy nước mặt Sông Hồng là  10.365 đồng/m3 là để các doanh nghiệp  lập dự án.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ kiên trì lập mục tiêu đẩy nhanh mạng lưới nước sạch trên địa bàn thành phố. Không có lý do gì mà các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam đã cấp nước sạch cho vùng nông thôn mà Hà Nội lại là nước hợp vệ sinh”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.