Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích nguy cơ tiếp tục lây nhiễm Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai

ANTD.VN - Với ổ dịch Covid - 19 tại bệnh viện Bạch Mai, đến nay, Hà Nội đã xác định rõ các nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao ở đây và quyết liệt triển khai các công tác để cùng Bộ Y tế nỗ lực không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích nguy cơ tiếp tục lây nhiễm Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Sáng 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng chống dịch Covid -19. Cuộc họp được trực tuyến tới các cơ sở cách ly.

Hà Nội đề xuất phong tỏa bệnh viện Bạch Mai từ 19-3

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 19-3, khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai và được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin có 2 trường hợp là điều dưỡng tại Bệnh viện Nhiệt đới của BV Bạch Mai dương tính với Covid -19,  TP đã khẩn trương phối hợp với bệnh viện để xác định thân nhân, lai lịch và tiến hành tổ chức xác minh tất cả những người tiếp xúc gần F1, F2.

Sau đó, TP đã tiến hành xét nghiệm và có kết quả đối với trường hợp con của bệnh nhân 86 dương tính với Covid -19; F1,F2 được tổ chức đi cách ly, các địa điểm liên quan đều được khử khuẩn...

Tối 19-3, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã có trao đổi trực tiếp với Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế có kiến nghị xem xét có thể đóng và phong toả một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai; giảm tải đến nhận và đóng băng toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong này.

"Bộ Y tế chỉ triển khai “đóng băng” một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó bệnh viện đã chuyển 5.113 trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 trường hợp. Điều này có thể đã để lỡ thời gian vàng để phòng lây lan", Chủ tịch UBND TP nói.

Chỉ trong 2 ngày vừa qua, TP đã xác minh được toàn bộ nhân thân của 1.592 trường hợp bệnh nhân và đã ra quyết định cách ly; đang triển khai lấy mẫu trong hai ngày; rà soát tất cả những người đi cùng những bệnh nhân này vào thăm thân trong bệnh viện. 

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chiều 28-3, Hà Nội đã triển khai rà soát toàn bộ các bệnh nhân chạy thận xung quanh Bệnh viện Bạch Mai; bệnh nhân từ các tỉnh thành đang điều trị nội trú và khoảng gần 358 trường hợp thường xuyên hiến máu cho Bệnh viện Bạch Mai.

TP đang lên danh sách và ra quyết định cách ly, với trường hợp khó khăn, TP sẽ có chế độ hỗ trợ...

2 nguy cơ lớn tiếp tục lây nhiễm Covid -19 ở bệnh viện Bạch Mai

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố cho đến nay tiềm ẩn nguy cơ từ ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất là Bệnh viện Bạch Mai. “Bệnh viện Bạch Mai hiện nay theo ghi nhận của Hà Nội hiện có 20 trường hợp dương tính với Covid -19 (Bộ Y tế công bố 12).

Có trường hợp đi theo đoàn công tác xuống Bệnh viện Bạch Mai 2 ở Hà Nam hay đi về Nam Định, Ninh Bình cũng dương tính. Rất có thể sẽ có nguy cơ trong một vài ngày nữa sẽ có những “đốm cháy nhỏ” dịch Covid -19 ở một số tỉnh phía bắc và Hà Nội”.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội,  Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi: có rất nhiều bệnh nhân nặng; hàng ngày có từ 5.000-7.000 người khám chữa bệnh. Nhưng đáng lo ngại nhất đó là sau ngày 20-3 Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về khắp các tỉnh; đã có lây nhiễm ra ngoài...

Nguy cơ tiếp theo đến từ Công ty Trường Sinh với 23 người phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 57, hàng ngày đưa phích nước cho tất cả các khoa của bệnh viện; Bộ phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho bệnh nhân; Bộ phận nấu ăn hàng ngày cung cấp cho khoảng 5.000-6.000 nhân viên trong bệnh viện Bạch Mai ăn tại tòa nhà tầng 2.

Ngoài ra bệnh viện có hàng nghìn học sinh, sinh viên thực tập của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại đây, nhưng đã được bệnh viện trả về từ ngày 20/3….

“Đáng lo ngại nhất hiện nay là khu vực nhà ăn. Nếu đúng là bệnh nhân 170 vào đây ăn 5 lần và bị nhiễm với mức độ như thế thì tôi tin số này lây nhiễm còn nhiều hơn...”.

Đề xuất Hà Nội được công bố các trường hợp dương tính với Covid -19

Thông tin việc trong tối 28-3, Hà Nội đã đưa 613 trường hợp là người nhà của Bệnh viện Bạch Mai lên Trường Đại học FPT tổ chức cách ly an toàn; xác minh toàn bộ có quyết định cách 1.592 trường hợp khám, chữa bệnh; tuyên truyền để tất cả người lẫn người đi thăm những địa chỉ số này thì cũng cần có thời gian xác minh lý do gì để lấy mẫu xét nghiệm thì đấy là liên quan đến công tác.

Thứ hai, TP đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Trường Sinh để có thể xác định được nơi cư trú của hơn 90 trường hợp nhân viên của công ty với quê quán ở nhiều tỉnh thành, nhưng theo Chủ tịch UBDN TP: “Tin vui là từ hôm nay, chỉ có 3 trường hợp về quê, sau đó còn lại cơ bản ở trong bệnh viện”.

TP sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc” và giai đoạn này rất quan trọng, quyết định thành công hay thất bại.

TP mong muốn tiếp tục được sự quan tâm Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương giúp đỡ Hà Nội được cung cấp test nhanh để Hà Nội triển khai xét nghiệm nhanh với các bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân HIV, người hiến máu nói trên liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.

TP cũng mong được hỗ trợ kit xét nghiệm Covid -19; bổ sung nguồn cung trang thiết bị y tế; máy thở…

“Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính với Covid -19, vì vậy nên cho phép Hà Nội công bố, để thuận lợi cho cơ sở.

Khi Hà Nội được công bố ca dương tính, Chủ tịch UBND  phường ra quyết định cách ly cho các trường hợp F1, F2, người dân sẽ vui vẻ thực hiện ngay, tránh tình trạng Bộ chưa công bố, người dân chưa hợp tác như hiện nay.

Đây là vấn đề cần thiết để, phòng dịch bởi nếu các ca dương tính được cách ly sớm sẽ giảm lây lan" - ông Nguyễn Đức Chung nói.