Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Người dân là trung tâm của thành phố thông minh

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố thông minh với người dân làm trung tâm và đến 2025, Hà Nội sẽ phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, Hà Nội xác định lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh phục vụ người dân

Sáng 22-6, tại Hà Nội, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo Thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Đại sứ Mỹ Ted Osius dự hội thảo.

Chính quyền điện tử là cốt lõi

Chia sẻ về tầm nhìn và những kết quả ban đầu của Thành phố Hà Nội trong xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức mới như: Dân số đông và phân bố mật độ dân cư không đều; Ô nhiễm môi trường; Ùn tắc giao thông...

Để phát triển bền vững và hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội xác định việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các lĩnh vực là giải pháp quan trọng và cấp thiết. Tại đó, công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm...

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố.

Thành phố đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3 các lĩnh vực: tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận huyện, 584 xã, phường... Bên cạnh đó hệ thống 500 camera giám sát giao thông; tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đang phát huy những hiệu quả tích cực mang lại tiện ích cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Để xây dựng thành phố Hà Nội thông minh, Chủ tịch UBND TP chia sẻ, Hà Nội sẽ tập trung phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị....

Quá trình xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh sẽ chia thành 3 giai đoạn, đến sau 2025, Hà Nội sẽ phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức...

Các dịch vụ công đang được Hà Nội triển khai rộng rãi trên mạng. Trong ảnh: Hướng dẫn người dân các dịch vụ công trực tuyến tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân

Quản lý đô thị thông minh

Khẳng định xây dựng thành phố thông minh đã là một xu hướng tất yếu và cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn được hợp tác với chính quyền các thành phố trên thế giới, các doanh nghiệp, các nhà khoa học để xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.  

Cụ thể là xem xét hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua cơ chế tài trợ dự án, thông qua các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư... Hà Nội có nhiều dự án mời gọi các đối tác chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cụ thể như: Khu công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội, khu phần mềm thuộc khu Công nghệ cao Hoà Lạc, khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm, và đặc biệt mới đây, thành phố vừa khởi động vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Vườn ươm sẽ được tạo điều kiện về cơ chế chính sách để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn Hà Nội sẽ nhận được sự hỗ trợ, tham gia tư vấn về xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung, về xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng, đất đai trên nền bản đồ số thống nhất để triển khai các ứng dụng chuyên ngành trong quản lý, điều hành hiệu quả, nhanh chóng, nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức. Phát triển ứng dụng trong công tác quản lý đô thị: quản lý lưới điện “thông minh”, quản lý chiếu sáng “thông minh”, giám sát nguồn nước “thông minh”, giám sát môi trường “thông minh”, tòa nhà “thông minh”...

“Thành phố thông minh có sức cuốn hút lớn. Sức hút đó giống như cách Hoa Kỳ đề cập đến 'thỏi nam châm cho sản xuất' khi đầu tư vào các ngành công nghệ mới và tạo ra động lực cho Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của thế giới. Sức hút đó cũng đến từ việc chúng ta đang hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng bất khả thi về một cuộc sống mà con người được phục vụ tối đa bởi công nghệ. Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển theo hướng thành phố thông minh, đóng góp tích cực và hiệu quả cho Con đường phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định...

Hà Nội đang có 391 dịch vụ công trực tuyến
Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt của một số dịch vụ công đạt kết quả cao: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%; Đăng ký kinh doanh trên 70%, Thuế: 97%, Hải quan: 100%, Bảo hiểm xã hội: trên 80%, hộ chiếu phổ thông: trên 80%; tổ chức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm 2016 tại 2.620 đơn vị trường học với hơn 250.000 gia đình tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến đạt 84,87% đối với mầm non, đạt 51,11% đối với lớp 1 và 58,18% đối với lớp 6...