Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Mỗi cán bộ, công chức phải là một cán bộ tuyên truyền

ANTD.VN - Sáng 22-11, tại Bảo tàng Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của truyền thông đối với TP Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin".

Toàn cảnh hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về truyền thông; đại biểu các bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và TP Hà Nội.

Trách nhiệm của trái tim

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, sự phát triển của CNTT và truyền thông trong hơn nửa thế kỷ qua đã tác động mạnh mẽ, rộng khắp, tích cực đến tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới; xóa nhòa đi khoảng cách về thời gian, không gian và làm cho thế giới trở nên phẳng hơn, dường như không có sự xa cách về địa lý.

“Thực tế chứng minh rằng, truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, là nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân cũng như tập thể, đặc biệt trong bối cảnh thông tin xã hội hiện nay”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Trong đó, báo chí với các chức năng quan trọng là giáo dục tư tưởng, tuyên tuyền, cổ động, quản lý gián tiếp và giám sát xã hội… thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, trách nhiệm, nhân văn – là cơ sở để hình thành và thể hiện dư luận xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, xã hội càng hiện đại, truyền thông đại chúng càng phát triển mạnh mẽ, càng thể hiện vai trò quan trọng bởi truyền thông góp phần lan tỏa thông tin, truyền tải thông điệp, kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội trên mọi lĩnh vực…

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn đón nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, hữu ích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo cũng như các đại biểu tham gia hội thảo.

Những ý kiến đóng góp thực sự là nguồn tài liệu tham khảo quý báu để TP Hà Nội thấy rõ thực trạng của truyền thông đối với sự phát triển của Thủ đô trong bối cảnh xã hội thông tin; từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực nhằm góp phần vào sự phát triển lớn mạnh, bền vững của Thủ đô - "trái tim của cả nước".

Bàn về trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo cho rằng, truyền thông trong xã hội thông tin hiện nay cần phải theo 2 chiều, từ tuyên truyền chủ trương, chính sách, sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng đến người dân và phản hồi tích cực cũng như cả tiêu cực từ người dân tới các cơ quan chức năng và Chính phủ. Có thể nói, cơ quan truyền thông chính là kênh hữu hiệu cho sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với người dân.

 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề “nóng”

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, công tác thông tin tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự to lớn, nhiệm vụ quan trọng của VOV.

Bởi lẽ, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc, Hà Nội còn vang lên kiêu hãnh trong lời xướng hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ ngày 7/9/1945 đến nay: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa”.

Nhấn mạnh chủ đề: “Góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội qua hoạt động truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam”, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho biết, sự phối hợp, cộng tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và thành phố Hà Nội, nhất là với các ngành giao thông, công chính, quản lý đô thị, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, bảo vệ môi trường... đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn đề khó và “nóng” của Hà Nội.

Các chương trình này cũng góp ý cho các nhà xây dựng chính sách quản lý và điều hành các hoạt động của Hà Nội ngày càng phù hợp và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các chương trình về Văn minh đô thị, Văn hóa giao thông đã chuyển tải các thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo phát biểu tại hội thảo

Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề sống còn

Cho rằng cùng với việc tuyên truyền những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh... của Thủ đô Hà Nội, khẳng định và lan tỏa những nỗi lực, thành tựu, nhân tố mới, điển hình tiên tiến của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, VOV cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, yếu kém trong quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội từ các vấn đề vĩ mô thực hiện cơ chế, chính sách cho đến những công việc cụ thể trong quá trình thực thi công vụ ở các cấp chính quyền cơ sở.

“Trước các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, Đài TNVN cân nhắc kỹ liều lượng, mức độ, thời điểm đưa thông tin, đề nghị cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương… của Hà Nội chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tìm hướng xử lý phù hợp, không tạo điểm nóng, không để dư luận hiểu sai hay đẩy thành khủng hoảng truyền thông”, Tổng Giám đốc VOV chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định, bên cạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, phản ánh trên báo chí hằng ngày, các cơ quan báo chí đã có nhiều ý kiến cởi mở, chân thành, thẳng thắn, xây dựng và hợp tác với Hà Nội trong thời gian qua.

Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo của thành phố Hà Nội đã có nhiều hình thức trao đổi thẳng thắn, nêu rõ những khó khăn thuận lợi của việc tuyên truyền trong thời gian qua, cũng như mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí với hội nhà báo VN.

Hội nhà báo Việt Nam đánh giá cao tinh thần cởi mở từ 2 phía và mong muốn tinh thần đó tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Các nhà báo luôn có ý thức, trách nhiệm xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một lớn mạnh. Dù vậy, theo ông Hồ Quang Lợi, “đạo đức nghề nghiệp đang trở thành một vấn đề sống còn của báo chí, hoạt động báo chí. Chúng ta không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin nhưng chúng ta có thể thắng mạng xã hội bằng mức độ tin cậy và sự thuyết phục . Sức thuyết phục và độ tin cậy của báo chí chính là con đường sống của báo chí trong thời đại thông tin, xã hội thông tin như hiện nay”…

Thạc sỹ Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu vấn đề, hiện nay, mọi người đều có thể đưa thông tin lên mạng xã hội vì vậy việc kiểm soát thông tin tốt nhất trong xã hội này chính là "kiểm soát chính mình”.

Ông Kiền nêu thực trạng là nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở còn rất hạn chế về vai trò của truyền thông, vì vậy, cần phải có bộ phận và những người làm truyền thông chuyên nghiệp. Cần phải coi truyền thông là việc cần giải quyết ngay chứ không chỉ là việc sẽ phải làm.

Đối với cán bộ của thành phố, cần phải xây dựng quy trình ứng xử với truyền thông. Khi có khủng hoảng truyền thông thì cần phải có quy trình xử lý ngay; đối mặt trực tiếp với truyền thông, nếu trốn tránh thì thông tin sẽ càng phát tán không theo định hướng và mất kiểm soát về thông tin.

“Chúng ta phải đối diện khi có tình huống xảy ra, càng có khủng hoảng thì càng phải vận dụng vai trò của truyền thông chính thống” - ông Kiền phân tích.

Mỗi cán bộ, công chức phải là một cán bộ tuyên truyền

Trân trọng các ý kiến đóng góp thiết thực hiệu quả tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội luôn ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, của công tác truyền thông và mục tiêu của Hội thảo là nhằm giúp Hà Nội xây dựng phương pháp truyền thông hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn đánh giá công tác truyền thông của thành phố thời gian qua chưa tốt, thiếu chuyên nghiệp, chưa chủ động, chưa kịp thời, có lúc có nơi còn lúng túng,

Chủ tịch UBND TP cũng trân trọng cảm ơn Tạp chí Cộng sản đã đồng hành tổ chức Hội thảo để Hà Nội nhận thức rõ hơn vai trò của truyền thông. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các tham luận, xây dựng các quy trình, quy chế, tăng cường bồi dưỡng đào tạo về truyền thông cho đội ngũ cán bộ để mỗi cán bộ, công chức phải là một cán bộ dân vận, cán bộ thông tin tuyên truyền.

Thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin, phối hợp với các cơ quan Trung ương, các cơ quan báo chí của Trung ương và thành phố để truyền thông tốt hơn đến nhân dân Thủ đô và cả nước…