Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong việc thay thế cây xanh“

ANTĐ - “Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ. Hoàn toàn không phải là việc đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích”. Đây là khẳng định được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đưa ra trong buổi họp của UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và những tháng cuối năm 2015 trong sáng nay 19-3.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong việc thay thế cây xanh“ ảnh 1Việc thay thế các cây không đảm bảo sẽ được thực hiện từng bước

Trước những băn khoăn về số lượng 6.700 cây xanh sẽ được thay thế, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Đây là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm có Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo. Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái.

“Việc thay thế lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Hiện việc thay thế đã triển khai trên địa bàn TP là 9 tuyến phố, trung bình mỗi đơn vị tham gia công tác xã hội hóa này sẽ đóng góp cây xanh cho một tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế vào khoảng hơn 500 cây”, ông Lê Văn Dục thông tin.

“Trong số các cây được thay thế có nhiều cây to, lượng gỗ sẽ được Công ty Công viên cây xanh thu hồi sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách. Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này”, ông Lê Văn Dục khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị triển khai do công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. 

“Ví dụ như với chủ trương đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, thông tin kém đến mức cả những người làm công tác truyền thông, cho đến người dân không hiểu hết về đề án”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, việc thông tin không đẩy đủ khiến người dân hiểu rằng TP có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. Trong khi đó không thông tin được rằng đề án đó là từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...

Trên thực tế, trên các tuyến phố như phố Huế, Hàng Bài, thành phố đã thay thế những cây cong, cây nghiêng, trồng xen vào. Thành phố cũng lựa chọn loại cây to, tươi tốt, không phải loại cây định mức mấy trăm nghìn đồng theo đơn giá như trước.

“Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ. Hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc thay thế cây xanh này”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định.

Về cơ sở pháp lý, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm: “Việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân TP thông qua. Trong đó có lộ trình thay thế tất cả các cây cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh không đảm bảo an toàn giao thông, mà trên thực tế đã có việc cây đổ gẫy gây tai nạn chết người rồi”.

“Thành phố cũng sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào. Những ý kiến nào đóng góp đúng, chúng ta sẽ tiếp thu và khắc phục, điều chỉnh”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.