Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động

ANTD.VN -  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ phát triển phương tiện công cộng nhỏ có 20-25 chỗ để phục vụ kết nối thuận tiện hơn và khẳng định TP sẽ cương quyết thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, TP sẽ hạn chế xe máy vào hạn cuối của đề án là vào năm 2030...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung dự buổi đối thoại với công nhân Thủ đô 2019

Sáng 11-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nội Bài.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới Hà Nội sẽ triển khai lắp đặt đường truyền và các kiốt dịch vụ công trực tuyến, liên thông cả với Bảo hiểm xã hội tại các khu công nghiệp để phục vụ công nhân người lao động.

Vẫn thiếu trường mầm non, nhà ở xã hội

Trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, sau Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và đại biểu Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023, UBND Thành phố đã giao 41 nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc Thành phố giải quyết kiến nghị cho người lao động trên địa bàn.

Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện được 13 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ đang giải quyết, 18 nhiệm vụ chưa có báo cáo…

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trước buổi đối thoại, liên đoàn đã nhận được được 639 ý kiến kiến nghị gửi về từ CNLĐ và cán bộ Công đoàn các đơn vị cơ sở với 6 nhóm nội dung chính; nhiều nhất vẫn  liên quan đến đời sống, việc làm, công nhân người lao động…

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quang Đông (Công nhân Công ty Yamaha Việt Nam) cho biết, nhiều công nhân ở khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn) không xin được cho con học ở khu vực xung quanh khu công nghiệp vì không có hộ khẩu; bên cạnh đó các điểm giữ trẻ tư không trông được giờ tối ảnh hưởng đến giờ làm ca của công nhân…

Ông Đông cho biết, công nhân rất mong muốn TP quan tâm xây dựng trường học cho con em để người lao động yên tâm làm việc.

Trong khi đó, Công ty TNHH May Mặc Việt Pacific (Hà Đông) kiến nghị TP có cơ chế cho các doanh nghiệp đông công nhân có điều kiện thuê đất xây dựng trường mầm non cho con em công nhân. 

Theo khảo sát của BQL KCN&CX Hà Nội, tại các KCN sẽ có khoảng 25.024 cháu là con công nhân thuộc độ tuổi đi học trường mầm mon.Theo tiêu chuấn 1,5m2/cháu, mỗi phòng 45m2, độ tuổi từ 3-6 tuối là 30 cháu/phòng, sẽ cần đầu tư 834 phòng học cho học sinh mẫu giáo, nhà trẻ.

Công nhân kiến nghị tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Người lao động cũng đề nghị giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH và kinh phí Công đoàn tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của CNLĐ; Đề nghị khám sức khỏe theo chế độ BHYT vào cả thứ 7, chủ nhật; Tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ về thủ tục giải quyết tai nạn lao động liên quan đến giao thông; Cần có chính sách hỗ trợ, động viên đội ngũ CNLĐ có tay nghề cao, công nhân giỏi, như: hỗ trợ mua nhà ở, hỗ trợ các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề…

Người lao động kiến nghị cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” tại các khu nhà trọ công nhân, các KCN - CX; Đảm bảo an ninh, an toàn cho CNLĐ ở KCN Bắc Thăng Long, đặc biệt là tại các trạm rút tiền (ATM); nhà ở cho công nhân ở Kim Chung (Đông Anh) xuống cấp; Giải quyết dứt điểm tồn tại doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần để đảm bảo đời sống người lao động; bảo hiểm xã hội cần tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp, công nhân; thu quỹ phòng chống thiên tai chưa hợp lý…

Khuyến khích đầu tư hạ tầng xã hội khu công nghiệp

Về phản ánh của công nhân đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo sức khỏe từ nguồn nước ngầm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã đề ra chủ trương xã hội hóa, kêu gọi 24 nhà đầu tư với 28 dự án nước sạch.

Đến nay, tỷ lệ nước sạch được cấp 100% ở nội thành; mục tiêu hết năm 2020, toàn bộ khu vực nông thôn sẽ được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị.

Việc này hiện nay còn chậm do công tác lắp mạng lưới, chứ nước sạch hoàn toàn đủ cung cấp. TP cũng đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện các nhà máy nước mặt để hết 2020, đạt sản lượng 2 triệu mét khối/ ngày đêm.

Đến 2021, TP cơ bản sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm để đảm bảo chất lượng nước. 

Về vấn đề nhà trẻ, trường mầm non còn thiếu, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu thực tế và Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng trên khảo sát nhu cầu thực tế.

Riêng với các doanh nghiệp may, đông công nhân, TP sắp tới sẽ họp, kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non ở khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trả lời các kiến nghị của công nhân, người lao động Thủ đô

Liên quan đến nhà ở cho công nhân, TP đã khảo sát, và năm 2018, TP đã khởi công thêm các dự án nhà xã hội cho công nhân và sắp tới sẽ khởi công thêm dự án nhà ở công nhân cao tầng ở huyện Đông Anh với diện tích mỗi phòng từ 35 đến 70m2 để bán hoặc cho công nhân thuê trong 30 năm.

“Giá thuê nhà nếu chưa phù hợp, TP sẽ xem xét đề xuất hỗ trợ người lao động theo phương án hợp lý nhất. Hết năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu xây dựng đủ 6 triệu mét vuông nhà ở xã hội (hiện nay đã có 4,2 triệu mét vuông) phục vụ người thu nhập thấp, công nhân, giải quyết cơ bản kiến nghị, nhu cầu chính đáng này của người dân”, Chủ tịch UBND TP nói. 

Chủ tịch UBND TP cũng thông tin thêm, hiện nay trên trang web của Sở Xây dựng có hướng dẫn đầy đủ hướng dẫn người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, công khai đăng ký căn hộ, diện tịch.

Công nhân, người lao động có thể tra cứu, đăng ký trực tuyến để mua nhà xã hội. Bên cạnh đó, TP sẽ in sách hướng dẫn cụ thể phát đến các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị BQL KCN&CX Hà Nội lắp đặt đường truyền để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các ki ốt dịch vụ công trực tuyến; liên thông với bảo hiểm xã hội tại các KCN, CX, để phục vụ công nhân, người lao động thuận tiện làm các thủ tục, không phải đi lại nhiều;

TP sẽ quan tâm đến diện tích đỗ xe cho các khu công nghiệp; lắp thêm các trạm wifi miễn phí cho công nhân với chất lượng tốt hơn…

Chia sẻ với công nhân người lao động khi điện xăng đều vừa tăng giá, Chủ tịch UBND TP cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra việc tăng giá điện.

Bên cạnh đó, TP đã và đang phát triển phương tiện công cộng phục vụ nhân dân trong đó có hướng đến sử dụng những xe nhỏ 20-25 chỗ để phục vụ kết nối dễ dàng, thuận tiện hơn. TP cũng khuyến khích người dân thường xuyên đi bộ hơn trong khoảng cách trên dưới 1km…

“Hà Nội sẽ cương quyết thực hiện đề án chống ùn tắc giao thông. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, TP sẽ hạn chế xe máy vào hạn cuối của đề án là vào năm 2030”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo thoát nước ở các khu công nghiệp; xem xét lại các bất cập về rào chắn, giao thông; tách riêng công tơ điện cho người lao động thuê nhà ở; đôn đốc việc cấp sổ bảo hiểm cho công nhân…

Chủ tịch UBND TP cũng ghi nhận công sức đóng góp không nhỏ của công nhân, người lao động Thủ đô và khẳng định TP sẽ khẩn trương xem xét giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng để công nhân, người lao động yên tâm làm việc...