Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cần sự đồng tâm nhất trí trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị

ANTD.VN - Qua thảo luận, đại diện một số quận, huyện, xã, phường của Hà Nội đề xuất, nếu được Bộ Chính trị, Trung ương thông qua, Hà Nội nên triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố vào đầu nhiệm kỳ mới, bắt đầu từ năm 2021…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Sáng nay, 10-8, tại huyện Thanh Trì, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đây là hội thảo thứ 3 liên tiếp được thành phố tổ chức nhằm lấy ý kiến đại diện của các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Với Hà Nội, hiện tổ chức chính quyền các cấp ở thành phố còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành...

Đặc biệt, với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ và người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, mục tiêu của việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt), tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).

Đây là hội thảo lấy ý kiến các quận huyện, xã phường thứ 3 mà Hà Nội tổ chức

Hội thảo đã ghi nhận 12 ý kiến phát biểu, tham luận, tập trung vào các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện thí điểm đề án chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; đồng thời đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp xã của thành phố; nêu ra những ưu điểm, hạn chế trong phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực…

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, dự thảo đề án mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hà Nội đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã) 1 cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Đa số các đại biểu chọn phương án 1 mà dự thảo đề án đưa ra. Nhiều đại biểu cũng đề xuất nếu đề án này được Bộ Chính trị, Trung ương thông qua thì Hà Nội nên triển khai vào đầu nhiệm kỳ tới, bắt đầu từ năm 2021…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, qua hội thảo đã làm rõ hơn về lộ trình tổ chức thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội và giải pháp để thực hiện thành công thí điểm mô hình này.

“Theo đó, cần tăng cường các điều kiện để bảo đảm thực thi thông qua việc đầu tư hợp lý các nguồn lực về tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực và sự đồng tâm nhất trí, sự tham gia của các bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố và chính quyền các cấp của thành phố, MTTQ và các đoàn thể thuộc thành phố…” – ông Chung nhấn mạnh.