Chủ quan là tự biến mình thành mồi cho "giặc lửa"

ANTD.VN - Xác định địa bàn có nhiều nhà dạng ống, nhà tạm, tập thể cũ.., Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - phụ trách quận Ba Đình, Đống Đa, thuộc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã chủ động tuyên truyền, tập huấn an toàn PCCC cho người dân.

Sáng 15-8, tại phường Trung Tự, quận Đống Đa, gần 200 người dân hào hứng tham dự lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng thoát nạn, PCCC. Người dân được trao đổi, nắm bắt những thông tin thiết thực về cách thoát nạn, chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Đồng thời, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã đưa ra tình huống cháy giả định để người dân nhận thức được hiểm họa của hỏa hoạn và thực tập các thao tác dập lửa.

Chủ quan là tự biến mình thành mồi cho "giặc lửa" ảnh 1Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cứu nạn người dân mắc kẹt do chuồng cọp không có cửa thoát nạn

Cải tạo làm tăng nguy cơ hỏa hoạn

Đại tá Nguyễn Trường Sơn –Trưởng phòng cảnh sát PCCC số 2 cho biết, cơ sở hạ tầng các khu tập thể Trung Tự, Kim Liên đã xuống cấp, trong khi đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng. Để giải bài toán cho nhu cầu nơi ăn ở sinh hoạt, các gia đình phải sửa chữa, cải tạo tăng diện tích sinh hoạt. Đây là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên do việc sửa chữa cải tạo thiếu đồng bộ đã dẫn đến việc các hộ dân tự đẩy mình vào nguy cơ hỏa hoạn.

Cụ thể, công năng, thiết bị điện trong nhà tăng nhưng lại không cải tạo hệ thống dây diện, mối nối, không trang bị phương tiện PCCC. Nguy hiểm hơn, đa phần các gia đình làm “chuồng cọp” để tăng diện tích, chống trộm, nhưng lại không tính toán tạo cửa thoát nạn. Chính vì vậy, nguy cơ xảy cháy hình thành và ngày càng gia tăng áp lực thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra hỏa hoạn mà không có lối thoát.

Thượng tá Phạm Hải Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 đánh giá: “Việc trang bị thiết bị PCCC là yêu cầu bức thiết, song quan trọng hơn cả là nhận thức, ý thức về PCCC của người dân. Chỉ cần mỗi người có ý thức, trách nhiệm thì không chỉ tránh được những thiệt hại đáng tiếc cho gia đình mà còn hạn chế nhiều hệ lụy khi xảy cháy đối với người dân xung quanh”. 

“Mưa dầm thấm lâu”

Thực tế cho thấy, không phải người dân nào cũng hào hứng với việc ngồi nghe hướng dẫn cách thoát nạn, chữa cháy và thực hành dập lửa. Trong khi đó những kỹ năng này, ở nhiều nước trên thế giới muốn học sẽ phải… mất tiền. Trước thực trạng này, cơ quan cảnh sát PCCC chọn giải pháp “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền vào các ngày nghỉ, các buổi tối, rồi phối hợp với ngành điện lực, với ban quản lý chợ… để tác động đến nhận thức của người dân. Việc này phải làm từng bước một, để người dân thấy được việc đảm bảo an toàn PCCC là hết sức quan trọng. 

Nhấn mạnh yếu tố trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nhìn nhận, yếu tố con người là quan trọng khi chủ động phòng chống “giặc lửa”, song quan trọng không kém là kiến thức nhận biết nguy cơ hỏa hoạn có thể đến từ những thiết bị ngay bên mình. Ví dụ thời điểm mùa hè nắng nóng, nhiều gia đình ngủ đêm bật điều hòa đóng kín cửa, khi xảy cháy ở phòng hoặc tầng khác không biết và khi biết thì đã quá muộn! Điển hình như vụ cháy tại địa bàn phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm vào ngày 13-7 khiến 4 người trong một gia đình tử vong. Để dẫn dến hậu quả nghiêm trọng là do phát hiện quá muộn, đến khi cháy lớn, khói lớn thì không kịp trở tay. 

Nhìn nhận về những vụ hỏa hoạn xảy ra ở các hộ gia đình, đại diện cơ quan Cảnh sát PCCC cho rằng, nếu như trang bị báo khói thì sẽ phát hiện sớm và thoát nạn kịp thời. Đáng trách là tâm lý người dân “mất bò mới lo làm chuồng”; cứ sau mỗi vụ cháy mới quan tâm hơn về vấn đề an toàn PCCC.  “Nhiều gia đình mất tiền mua ti vi, tủ lạnh trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng lại không quan tâm đến thiết bị chữa cháy vô cùng quan trọng và thiết thực đó là bình cứu hỏa, với giá chỉ từ 500 đến 600 nghìn đồng” – Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhận xét.

Từ việc rà soát, nắm bắt cụ thể từng khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã chủ động triển khai nhiều đợt tập huấn, nâng cao kỹ năng thoát nạn, chữa cháy cho người dân ở 35 phường thuộc hai quận Ba Đình và Đống Đa.

“Chúng tôi rà soát từng khu vực dân cư để có phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả với đời sống sinh hoạt của người dân. Ví dụ như với chung cư cao tầng, chúng tôi tuyên truyền cách tránh ngạt khói, cách thoát nạn khi xảy hỏa hoạn. Còn đối với khu chung cư cũ, khuyến cáo bà con kiểm tra đường điện thường xuyên; không thắp hương, nến khi không có người ở nhà và đặc biệt làm cửa thoát hiểm khi hàn lắp thêm chuồng cọp”, Đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.