Chủ động tham mưu, thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng

ANTĐ - Đó là một trong những kết quả nổi bật của công an các địa phương trong 1 năm thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Triển khai NĐ 80/CP, Bộ Công an đã có Điện gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố khẩn trương có kế hoạch thực hiện văn bản mang tính nhân văn cao này. Trên cơ sở đó, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có kế hoạch triển khai thực hiện NĐ 80/CP. Điều này không chỉ thể hiện rõ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Bộ Công an đã chủ động và tích cực củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cơ chế cán bộ thực hiện, thành lập Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Công an các tỉnh, thành phố thành lập Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trong đó thành lập Đội Thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng; và có Đội Thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng ở cấp huyện. Phát huy vai trò chủ công, công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các ban, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; trước hết là về nhận thức, chống kỳ thị, xa lánh đối với người có quá khứ lầm lỗi. Chỉ huy công an phường, xã, thị trấn xác định rõ trách nhiệm đối với CSKV, công an phụ trách xã trong thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền NĐ 80/CP tại địa bàn phụ trách.

Việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác hòa nhập cộng đồng của lực lượng công an là một trong những biện pháp để mục đích và hiệu quả NĐ80/CP ngày càng được phát huy. Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an thường xuyên cập nhật và thông báo, trao đổi với công an các địa phương những mô hình, biện pháp hay về giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Như mô hình “Doanh nhân với  an ninh, trật tự” (của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa); “Quỹ hoàn lương” của TP Hồ Chí Minh; mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” của xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên…

Đây là những mô hình tiêu biểu về hòa nhập cộng đồng, hình thức hoạt động phong phú, đã giúp được nhiều người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống; là bài học kinh nghiệm để các địa phương tham khảo, sáng tạo và ứng dụng. Nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, phát huy tối đa ưu điểm, việc thực hiện NĐ80/CP là cách thức hữu hiệu nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, cá nhân, đối với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở.