Chủ động phòng chống mùa mưa bão
(ANTĐ) - Mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao những ngày qua. Nhiều nhà ở của hàng nghìn hộ dân khu vực ngoài đê thuộc các phường Chương Dương, Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, phường Yên Phụ, quận Ba Đình, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ... đã mấp mé nước. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước sông Hồng sẽ còn tiếp tục dâng cao trong những ngày cuối tháng 7 và tháng 8.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu nên những năm gần đây, thiên tai, bão lũ xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn, thiệt hại nặng nề hơn.
Những ngày đầu năm 2008 đã xuất hiện những biểu hiện bất thường của thời tiết: áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay từ tháng 1, thiếu nước, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Dự báo tình hình thiên tai, bão lũ năm 2008 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng nhiều hơn mức trung bình hàng năm (5-6 cơn) trong đó có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng tới khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Mưa trong toàn mùa cũng ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn, đề phòng một số trận mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn và có khả năng gây ngập lụt. Mưa lũ năm 2008 trên các sông thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Mực nước trên sông Hồng dự báo từ 10.50m đến 11.00m và có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Nước sông Hồng trong những ngày này lúc nào cũng đục ngầu, chảy xiết. Nước cũng làm ngập bãi giữa và dâng cao hơn ở hai bên bờ. Những năm trước, lũ đã làm sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ, nhiều ngôi nhà của người dân bị kéo tụt sát bở sông.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì cho biết: Cứ đến tháng 7, tháng 8 hàng năm, chúng tôi lại không tránh khỏi cảm giác lo lắng bởi nước dâng cao đồng nghĩa với cuộc sống và sinh hoạt người dân bị xáo trộn, tất cả các tuyến đường trong xã đều bị ngập, trong nhà nước cũng lênh láng.
Nước sông Hồng tiếp tục dâng cao |
Vì thường xuyên phải đối mặt với lũ nên ở đây, hầu như nhà nào cũng có một chiếc thuyền nhôm để đi lại trong mùa mưa bão.
Hiện nay, tại hầu hết các phường xã có địa bàn ngoài đê như Phúc Xá, Phúc Tân, Ngọc Lâm, Bạch Đằng, Phú Thượng, Bồ Đề, Lĩnh Nam, Vạn Phúc... đều đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống lụt bão. Với đặc điểm có trên 25.000 nhân khẩu sinh sống ngoài đê nên ngay từ bây giờ, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã tuyên truyền, chỉ đạo xuống từng hộ dân chủ động phòng chống lụt bão.
Ông Lê Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Báo động cấp 1, phường sẽ có khoảng 400 hộ bị ngập, báo động cấp 2 là 800 hộ và báo động cấp 3 là 3.000 hộ, nằm trong khu vực nguy hiểm có 43 hộ. Vì vậy, phường đã chuẩn bị các nơi ở tạm khi di dân, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân ở các nhà nguy hiểm rời khỏi nhà, kiểm tra thường xuyên 24/24 các khu bị ngập lụt...
Công tác phòng chống lụt bão cũng được phường Bồ Đề, quận Long Biên chuẩn bị từ đầu tháng 7. Đây là một trong những phường có diện tích đê và số dân sống ngoài đê cao. Hiện nay, toàn phường có 2 tổ 1 và 2 với trên 700 hộ dân cùng 40 cơ quan, xí nghiệp sống ngoài bãi. Do đó, công tác phòng chống lụt bão tại đây đặc biệt được coi trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chỉ đạo, lo lắng của chính quyền sở tại thì ý thức tự giác, chấp hành các quy định của người dân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hơn ai hết, người dân sống tại các khu vực có nguy cơ bị ngập, trong các căn nhà nguy hiểm cần có ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh.
Kinh nghiệm từ các mùa mưa bão trước, một số hộ gia đình không hề lo lắng, thậm chí chủ quan trước những nguy hiểm khi nước sông Hồng dâng cao, chống đối lại cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn mùa mưa bão.
Huyền Khánh