Chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác thông tin xuyên tạc, sai sự thật

ANTD.VN - Ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến về tình hình an ninh trật tự để bàn về những biện pháp cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống nhân dân.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Nhiều vụ việc nổi cộm

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "Chúng ta không chỉ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh mà đặc biệt các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm một xã hội công bằng, minh bạch, một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội không có tội phạm đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong kinh tế thị trường, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, một trách nhiệm rất lớn đối với các lực lượng chức năng".

Thủ tướng nhìn nhận, tình hình an ninh trật tự thời gian qua cơ bản được bảo đảm, kiểm soát tốt. Tuy nhiên, gần đây, ở một số địa bàn tình hình diễn biến phức tạp, trong đó có một số vụ việc nổi cộm mà dư luận báo chí đã phản ánh như tội phạm có tổ chức, có vũ khí nóng, nhất là tội phạm ma túy, phá rừng, khai thác cát trái phép, xâm hại tình dục trẻ em, bán hàng đa cấp, tội phạm mạng, đối tượng phản động kích động người dân biểu tình gây rối…

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên để có giải pháp đồng bộ, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân như công tác vận động nhân dân, phối hợp xử lý trong một số vụ việc cụ thể, công tác tham mưu, nắm tình hình…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động đều phải gắn với yêu cầu giữ an ninh trật tự. Kế hoạch gì, hành động gì mà có nguy cơ dẫn tới bất ổn thì cần hết sức thận trọng, phải tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp để không ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phải mở đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh trật tự. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự.

Không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo

Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự và tổ chức thực hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời các yếu tố có thể dẫn tới mất an ninh trật tự ở địa phương, nhất là tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt địa bàn có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

“An ninh trật tự xấu, kéo dài thì Bí thư, Chủ tịch ở cơ sở đó, địa phương đó, trưởng công an ở đó phải chịu trách nhiệm theo tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị. Mình phải nêu trách nhiệm cá nhân chứ trách nhiệm chung chung thì sao được”, Thủ tướng nói.

Phải rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất. Có chuyên đề giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện khi mới phát sinh, làm sao bảo đảm lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xuyên tạc, chống phá. Giải quyết khiếu kiện đất đai phải có lý, có tình, có vận động thuyết phục.

Bộ Công an cần tăng cường chỉ đạo xây dựng, củng cố lực lượng, chủ động phối hợp kịp thời chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương để giải quyết mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt là chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp.

Cần chủ động nắm tình hình kỹ hơn, chủ động phòng ngừa tốt hơn và đưa ra phương án đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để bảo đảm an ninh trật tự.

Các bộ, ngành cần rà soát, làm rõ các bất cập, hạn chế về cơ chế chính sách như mặt nào liên quan đến khiếu kiện kéo dài phức tạp thì bộ đó phối hợp với Bộ Tư pháp để đề xuất sửa đổi, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp…

Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác các luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.