Chủ động giúp dân chống ngập

(ANTĐ) - Triển khai công điện của Giám đốc CATP Hà Nội về việc chủ động đối phó với mưa lũ, úng ngập, Ban chỉ huy CAQ Ba Đình đã chỉ đạo công an các phường, đội tăng cường lực lượng ứng trực tại chỗ, yêu cầu các đơn vị CAP khẩn trương rà soát, phát hiện những điểm ngập úng sâu tại địa bàn, có biện pháp di dời các hộ dân khi cần thiết...

Công an TP Hà Nội:

Chủ động giúp dân chống ngập

(ANTĐ) - Triển khai công điện của Giám đốc CATP Hà Nội về việc chủ động đối phó với mưa lũ, úng ngập, Ban chỉ huy CAQ Ba Đình đã chỉ đạo công an các phường, đội tăng cường lực lượng ứng trực tại chỗ, yêu cầu các đơn vị CAP khẩn trương rà soát, phát hiện những điểm ngập úng sâu tại địa bàn, có biện pháp di dời các hộ dân khi cần thiết...

CSGT Hà Nội phân luồng tại phố Nguyễn Khuyến chiều 2-11
CSGT Hà Nội phân luồng tại phố Nguyễn Khuyến chiều 2-11

Do có sự chủ động đối phó với thiên tai, nên khi được tin khu nhà B6 tập thể Thành Công bị ngập sâu hơn 1m trong chiều 31-10, CAP Thành Công đã huy động CBCS phối hợp cùng lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và tự quản phường giúp đỡ 6 hộ dân với 15 nhân khẩu di dời an toàn ra khỏi khu vực ngập úng, tới tạm trú tại Nhà Văn hóa phường...

Tại quận Tây Hồ, thực hiện chỉ đạo của CAQ, Công an 3 phường Tứ Liên, Yên Phụ, Nhật Tân duy trì công tác ứng trực tại đơn vị, phòng trường hợp nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt, yêu cầu CBCS thường xuyên nhắc nhở người dân đề phòng các tai nạn có thể xảy ra do mưa to, cây đổ, chập điện...


Các lực lượng Công an thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì ứng trực, chủ động đối phó với thiên tai, bám sát địa bàn để kịp thời giúp dân chống ngập nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản...

(Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP
Hà Nội)

Tại 2 điểm úng ngập sâu ở phường Bưởi và phường Nghĩa Đô, lực lượng CAQ Tây Hồ phối hợp với Đội 2 - Phòng CSGT tổ chức ứng trực, phân luồng giao thông nhằm tránh ùn tắc và tai nạn. Tại các tuyến ven hồ Tây, lực lượng công an các phường đã tiến hành lập chốt tuần tra, phòng ngừa tình trạng người tham gia giao thông có thể bị tai nạn.

Thông tin nhóm PV ANTĐ cập nhật, đến cuối giờ chiều qua 2-11, trên 2 địa bàn quận Thanh Xuân và Đống Đa, nước vẫn ngập nhiều trên các tuyến đường phố và các ngõ, ngách; trong đó quận Thanh Xuân có trên 20 điểm úng ngập, sâu nhất tới 1,5 mét; quận Đống Đa, hơn 10 điểm úng ngập, như Thái Hà, Chùa Bộc, Láng Hạ...

Phương án “chạy” nước được lực lượng công an các địa bàn hoạch định, hướng dẫn cho người dân và trực tiếp xuống các khu dân cư nắm tình hình, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

“Tinh thần chống lũ” cũng thể hiện rõ nét ở nhiều phường thuộc quận Hai Bà Trưng. Chịu hậu quả nặng nhất là các phường Nguyễn Du, Thanh Lương, Vĩnh Tuy. Tại phường Nguyễn Du, Trung tá Phùng Quang Hiển - Trưởng CAP cho biết, “từ chiều 30-10, chỉ huy CAQ đã chỉ đạo nóng đến từng địa bàn, rà soát toàn bộ các hộ dân, trường học xuống cấp để lên phương án bảo vệ hoặc di dời”.

Trong các ngày 31-10, 1 và 2-11, CAP Nguyễn Du đã tăng cường CSKV xuống các cụm dân cư nắm tình hình, động viên tinh thần người dân. Lực lượng CSTT và bảo vệ dân phố được tăng cường ra 2 “vùng trũng” trước cổng CAP và ngã năm Bà Triệu, nhắc nhở người tham gia giao thông tránh những hố lầy, ổ trâu.

Trong trận mưa ngập “lịch sử ” này, các quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì là nơi hứng chịu ngập úng nặng. Theo chỉ đạo của Giám đốc CATP, công an các đơn vị đã chỉ đạo các tổ công tác của CAH phối hợp với công an các trạm, thị trấn và công an xã trực tiếp xuống các địa bàn ngập sâu trong nước, giúp dân di chuyển tài sản, đồ đạc lên tầng trên hoặc sang các hộ liền kề ít bị ngập...

Tại khu vực dân cư thuộc 6 phường Tân Mai, Tương Mai, Giáp Bát, Thịnh Liệt, Yên Sở, Thanh Trì thuộc quận Hoàng Mai đều bị ngập trong nước. Nằm trong vùng ngập, trụ sở các đơn vị CAP quản lý địa bàn cũng không tránh khỏi cảnh ngập úng; trong đó 3 đơn vị CAP Giáp Bát, CAP Thịnh Liệt và Trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam là ngập nặng nhất.

Trung tá Nguyễn Bá Riến - Trưởng Công an Trạm Bến xe phía Nam cho biết, do bị cô lập với bên ngoài nên trong mấy ngày qua, CBCS trong đơn vị phải ăn mỳ tôm... Do bị ngập nặng, hàng trăm xe ôtô chết máy dọc tuyến đường Giải Phóng thuộc địa bàn các phường Thịnh Liệt, Giáp Bát đã gây tình trạng ùn ứ giao thông tại đây.

Trước tình hình trên, CAQ Hoàng Mai đã bố trí 3 tổ công tác của CAQ phối hợp với các CAP Yên Sở, Trần Phú chốt tại mặt đường yêu cầu các phương tiện giao thông không được đi lên đường đê; đồng thời tổ chức phân luồng, tạm dừng lưu thông các phương tiện trên tuyến từ Cầu Giẽ - Pháp Vân về Hà Nội, để tránh ùn tắc giao thông trên đường Giải Phóng.

Trong ba ngày qua, Công an các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh duy trì cao tinh thần chống mưa ngập. Trung tá Bùi Minh Đức - Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, CAH Gia Lâm thông tin: “Huyện Gia Lâm ngập chủ yếu ở các khu vực đồng ruộng, nhưng do bà con nông dân cơ bản đã thu hoạch xong nên không thiệt hại nhiều về kinh tế”.

Tại các xã, thị trấn, BCH CAH Gia Lâm chỉ đạo các Đội An ninh, Phụ trách xã triển khai nắm tình hình, nhắc nhở người dân và lực lượng bảo vệ các cơ quan, trường học nêu cao ý thức phòng ngừa trước mọi diễn biến khó lường của mưa ngập. “Cho đến cuối giờ chiều qua, địa bàn huyện Gia Lâm không xảy ra thiệt hại lớn. Tình hình giao thông cơ bản thông suốt”... Trời vẫn tiếp tục mưa, theo như thông báo của Nha khí tượng thủy văn, và tình trạng ngập úng vẫn chưa thể “tháo gỡ”.

Nhóm phóng viên nội chính